Sân bay Nội Bài áp giá trần cho mỳ, phở, nước tinh khiết

15:37 23/08/2013

Mỗi bát mỳ không thêm thịt ở khu vực công cộng sân bay Nội Bài từ nay sẽ có giá bán không cao hơn 20.000 đồng. Riêng khu quốc tế, mức trần là 3 USD.

16.5.12_khuyenmai_450Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài vừa công bố báo cáo mới nhất về giá cả của các mặt hàng phi hàng không tại khu vực mình quản lý. Đây là kết quả hiệp thương giữa cơ quan quản lý khai thác Cảng và các đơn vị kinh doanh, được thực hiện trong tuần trước theo chỉ đạo của Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng.

Với kết quả này, lần đầu tiên Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài áp giá trần dành cho một số mặt hàng hóa dịch vụ thông dụng tại 3 khu vực: công cộng, khu cách ly nội địa và cách ly quốc tế. Giá một chai nước tinh khiết loại 0,5 lít tại khu công cộng không được quá 15.000 đồng.

Trước đây, tại khu vực này, có những đơn vị niêm yết giá 18.000 đồng một chai. Cùng sản phẩm tương tự, giá tại khu cách ly nội địa không được quá 20.000 đồng. Ở khu cách ly quốc tế, chai nước trên không được bán đắt hơn 2 USD trong nhà hàng và 1 USD tại các khu vực khác (giá cả chưa bao gồm phí phục vụ).

Mỳ, phở, miến, bánh mỳ kẹp cũng vào diện áp dụng mức giá trần. Nếu các món ăn trên không bổ sung thêm thực phẩm, giá không được quá 20.000 đồng mỗi bát hoặc mỗi cái. Còn nếu bổ sung thêm thịt gà, xúc xích… giá không quá 50.000 đồng, trừ trường hợp bổ sung thêm thực phẩm cao cấp hoặc hàng nhập khẩu theo yêu cầu. Riêng tại khu cách ly quốc tế, giá trần cho một bát mỳ, phở… ăn liền không bổ sung thêm thực phẩm là 3 USD.

Giá cả và chất lượng hàng hóa dịch vụ tại sân bay Nội Bài bắt đầu có chuyển biến tích cực sau khi cơ quan quản lý và khai thác Cảng làm việc, hiệp thương với các đơn vị kinh doanh tại đây. Ảnh: Thanh Bình.

Giá cả và chất lượng hàng hóa dịch vụ tại sân bay Nội Bài bắt đầu có chuyển biến tích cực sau khi cơ quan quản lý và khai thác Cảng làm việc, hiệp thương với các đơn vị kinh doanh tại đây. Ảnh: Thanh Bình.

Sau yêu cầu của Cảng Nội Bài về việc rà soát lại giá ngày 28/6, một số doanh nghiệp đã thực hiện giảm giá niêm yết các mặt hàng thiết yếu. Ví dụ, Công ty Trang Hiền giảm giá bia Hà Nội và vài loại bánh kẹo thông dụng; Công ty Phương Thảo hạ giá với một số mặt hàng lưu niệm; Công ty CP Đầu tư TM Nội Bài điều chỉnh giá trái cây sấy khô, bánh kẹo; Công ty CP Dịch vụ Hàng không Thăng Long giảm giá nhiều mặt hàng từ nước ngọt đến mỳ phở…

Đa số cửa hàng hiện nay có mức niêm yết khá tương đồng nhau, ngoại trừ một số nhà hàng thuộc diện cao cấp như nhà hàng Sky Cafe, nhà hàng Lucky, nhà hàng Quốc tế, nhà hàng Á Âu. Những đơn vị có giá cao hơn mặt bằng chung đều phải giải thích rõ nguyên nhân.

Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài cho biết các quy định về giá trần trên có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8. Theo một đại diện của Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài, bên cạnh việc giảm giá, chất lượng dịch vụ sản phẩm tại sân bay bắt đầu có nhiều chuyển biến tích cực. Tại một số cửa hàng, cùng một bát mỳ tôm giữ nguyên giá như trước, nhưng nhà bán lẻ đã cho thêm nhiều thịt.

Bên cạnh niêm yết giá trần, một điểm mới khác từ đợt rà soát lần này là khi bán hàng hóa dịch vụ, các doanh nghiệp đều phải xuất hóa đơn hoặc biên lai khi khách yêu cầu. Biện pháp này nhằm ngăn chặn những trường hợp giá không rõ ràng dẫn đến kiện cáo, khiếu nại. Trên các địa điểm dễ thấy ở sân bay, các nhà quản lý trưng biển ghi rõ 3 số điện thoại đường dây nóng để khách có thể phản ánh ngay khi có sự vụ xảy ra.

Cơ quan quản lý công khai đường dây nóng để thu nhận phản hồi của hành khách. Ảnh: Thanh Bình.

Cơ quan quản lý công khai đường dây nóng để thu nhận phản hồi của hành khách. Ảnh: Thanh Bình.

Vấn đề giá cả, chất lượng tại sân bay Nội Bài đang làm nóng các diễn đàn thời gian gần đây. Trong tháng 6 và tháng 8, lần lượt Cục Hàng không, Bộ Giao thông vận tải đã lên tiếng yêu cầu dẹp “loạn giá” ở sân bay, cải thiện chất lượng dịch vụ.

Khảo sát ý kiến của khách hàng trên trang web của Cục Hàng không cho thấy có hơn 47,7% người khảo sát trả lời không hài lòng dịch vụ của ngành hàng không, 39,8% rất hài lòng, mức độ hài lòng là 12,5%. Còn mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cũng lên tiếng yêu cầu Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam rà soát lại toàn bộ các dịch vụ và bố trí mặt bằng tại Nhà ga T1.

Về phía các nhà bán lẻ, họ cho rằng kinh doanh ở sân bay mang tính chất đặc thù, độc quyền nên giá cả không thể đồng nhất với bên ngoài. Để đưa hàng hóa vào sân bay, người bán phải bỏ ra nhiều loại chi phí như vận chuyển, thuế…

Chi phí thuê mặt bằng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá hàng hóa tại đây đắt hơn bên ngoài. Ở khu cách ly nội địa, giá thuê một quầy hàng dưới 5m2 là 10,4 triệu đồng mỗi tháng, từ 15 đến 20 mét vuông tiền thuê quầy hết 21,9 triệu đồng.

Còn trong khu cách ly quốc tế, một cửa hàng diện tích 5 đến 10m2 tại đây có giá thuê 840 USD, tương đương 84 đến 168 USD mỗi mét vuông một tháng. Cửa hàng càng rộng giá thuê càng rẻ, trên 20m2 giá mỗi mét vuông còn 45 USD.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: VnExpress

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...