Mì ăn liền: “Sát thủ diệt đói” chinh phục cả thế giới

10:29 26/08/2013

Khi được hỏi về loại đồ ăn, thức uống “chinh phục” cả thế giới thì ắt hẳn nhiều người sẽ lập tức nghĩ ngay đến Coca-Cola và Big Macs của McDonald’s. Thế nhưng thực tế, mì ăn liền mới là câu trả lời chính xác nhất.

ramen-0c7862b3b2b9093fbd2e1d89790f3cfee57dd269-s40-c85


Bắt đầu từ thời điểm ra đời ở Nhật Bản (thời hậu chiến) cho đến nay, món ăn này đã trở nên quen thuộc với hầu hết mọi người trên thế giới. Những quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất có thể kể đến như Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam…

Thậm chí, loại đồ ăn này còn “tấn công” sang nhiều nước châu Mỹ, điển hình như Papua New Guinea, Brazil, Mexico và các nước châu Phi như Nigeria. Hầu hết mọi người đều nhất trí cho rằng, mì ăn liền là món ăn phổ biến nhất để chống cơn đói của hàng triệu người trên thế giới.

Bởi vì giá rẻ lại ngon nên nó phù hợp với cả người giàu lẫn người nghèo. Nhà nhân chủng học Deborah Gewertz thuộc trường đại học Amherts nói với The Salt: “Điểm đặc biệt nhất của mì ăn liền là có mùi vị được thay đổi cho hợp với khẩu vị và nền văn hóa ẩm thực của nhiều quốc gia.”

Tại Thái Lan, mì ăn liền được thêm gia vị như sả và rau mùi. Ở Mexico thì người dân có thể mua mì ly Maruchan với nhiều hương vị khác nhau như tôm, lá chanh… Riêng Papua New Guinea, các món mì còn được đưa vào những nghi lễ như cai sữa cho trẻ sơ sinh hay tôn vinh người đã khuất. Tại Nhật Bản – nơi “khai sinh” ra mì ăn liền, để đáp ứng nhu cầu cực lớn của khách hàng, các nhà sản xuất thậm chí từng giới thiệu mì ăn liền với 600 loại hương vị trong 1 năm.

“Sát thủ diệt đói” mang tên mì ăn liền

Mặc dù không hẳn là thức ăn nhiều dinh dưỡng nhưng mì ăn liền được xem là “sát thủ chống đói của giai cấp vô sản”. Nó được làm từ bột mì và sau đó chiên trong dầu cọ. Tỷ lệ chất béo bão hòa của mì ăn liền là 49%, cao hơn so với mỡ lợn (40%) và dầu đậu nành (14%). Vì chứa nhiều chất béo nên nó giúp người ăn cảm thấy dễ no. Hơn thế nữa, người ta thường dùng mì nấu chín bằng cách chế nước sôi hơn là ăn khô. Cách này càng giúp no lâu hơn nữa. Đây chính là lý do tại sao, mì ăn liền là lương thực tiếp tế chủ yếu dành cho những bệnh nhân suy dinh dưỡng cũng như người dân ở những vùng gặp thiên tai.

“Sát thủ diệt đói” mang tên mì ăn liền

Nhiều nghiên cứu cho biết, ăn nhiều mì ăn liền sẽ dẫn đến nguy cơ tăng cholesterol trong máu. Vậy có phải là khôn ngoan khi nhiều người trên thế giới vẫn sống phụ thuộc vào nó? Tại sao những người nghèo trong thành phố không ăn những loại thức ăn nhiều dinh dưỡng hơn? Câu trả lời là họ không thể tìm thấy bất cứ thứ gì giá cả phải chăng và có lợi cho sức khỏe hơn mì ăn liền. Trái cây, rau quả và những thức ăn dinh dưỡng khác đều đắt đỏ. Nhà báo Michael Pollan cho rằng, mì ăn liền là một “hiện tượng hầu như không thể ngăn cản”. Trong 9 tỷ người trên thế giới, những ai giàu sẽ có nhiều lựa chọn cho việc ăn uống; còn ngược lại, đối với người nghèo thì họ chỉ có thể dùng bản năng sinh tồn để chọn thực phẩm giá rẻ như mì ăn liền.

Theo Gerwertz, thay vì suy nghĩ đến những thực phẩm thay thế đắt đỏ thì cách tốt nhất để giúp đỡ những người nghèo sống phụ thuộc vào mì ăn liền là hãy làm cho mì ăn liền trở nên bổ dưỡng hơn bằng cách giảm natri, giảm béo, tăng chất xơ… Mặc dù điều này có thể sẽ đẩy giá mì ăn liền lên cao nhưng chắc chắn nó vẫn sẽ rẻ hơn nhiều loại thực phẩm khác.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com 

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...