Chuyện Huyền Chíp và những kẻ lữ hành kỳ dị

13:59 19/09/2013

Nhà báo Lê Hồng Lâm đã chia sẻ suy nghĩ của anh về việc Huyền Chíp, cô gái du lịch 25 nước với 700 USD, bị cộng đồng mạng nghi ngờ và chỉ trích.

Nhân vụ các bạn lao vào tấn công tập thể em Huyền Chip, chợt nghĩ đến 3 nhân vật lữ hành kì dị (đang sống) này:

1. Anh Daisuke Nakanishi, sinh năm 1970, người Nhật – kẻ đã thực hiện cuộc hành trình dài hơn 100.000 km ở 120 nước trên khắp các châu lục của trái đất trong suốt 9 năm trên yên xe đạp.

Daisuke Nakanishi

Daisuke Nakanishi

Bản đồ hành trình qua 120 nước trên yên xe đạp của Daisuke Nakanishi

Bản đồ hành trình qua 120 nước trên yên xe đạp của Daisuke Nakanishi

2. Jean Béliveau, người Canada, sinh năm 1953, người Canada – kẻ đã thực hiện cuộc đi bộ lập kỷ lục thế giới trong suốt 11 năm không ngưng nghỉ (bắt đầu ở tuổi 45 sau khi trải qua một đợt midlife crisis ) với chiều dài 75.554 km qua 64 quốc gia chỉ với một chiếc xe đẩy 3 bánh. Jean đã đi nát 53 chiếc giày loại tốt trong suốt 11 năm đi bộ.

Điều đặc biệt là người vợ vẫn chờ ông và thi thoảng còn gửi tiền hoặc bay sang thăm ông ở một địa điểm nào đó rồi lại bay về. Hành trình của Jean cũng gặp không ít chỉ trích của những đồng hương Canada, cho rằng ông là một kẻ bê tha và ích kỷ, trong khi người vợ thì hạnh phúc với lựa chọn của mình. Thiên hạ toàn đi lo chuyện của người khác.

Jean Béliveau với chiếc xe đẩy 3 bánh đi bộ qua 64 nước

Jean Béliveau với chiếc xe đẩy 3 bánh đi bộ qua 64 nước

3. Eustace Conway, sinh năm 1961, người Mỹ – một kẻ kì dị và trở thành nhân vật của cuốn sách “The Last American Man” của nữ tác giả Elizabeth Gilbert, một bộ phim tài liệu và các chương trình truyền thanh.

Eustace sống trong rừng từ năm 12 tuổi. Năm 17 tuổi đã quyết định rời bỏ gia đình để vào rừng làm một túp lều vải để sống hẳn trong đó. 18 tuổi đã quyết định thực hiện một chuyến đi bộ qua đường mòn Appalachia dài hơn 2000 dặm và hầu như chỉ sống bằng những gì thu lượm săn bắn được trên đường. Trong những năm sau đó, anh tiếp tục độc hành qua dãy Alps ở Đức, băng xuồng qua Alaska, trèo lên những vách đá ở New Zealand hay sống với thổ dân Maya hẻo lánh còn sót lại trong rừng ở Guatemala… Năm Eustace 34 tuổi, anh đã thực hiện tiếp một cuộc phiêu lưu tuyệt vời: cưỡi ngựa xuyên nước Mỹ rộng lớn trong vòng 103 ngày và lập kỷ lục thế giới vào năm 1995…

Và kẻ theo chủ nghĩa tự nhiên Eustace Conway

Và kẻ theo chủ nghĩa tự nhiên Eustace Conway

Bìa sách The Last American Man

Bìa sách The Last American Man

Không chỉ liều lĩnh và dám thực hiện những cuộc phiêu lưu vô tiền khoáng hậu, 3 kẻ lữ hành này đều là những nhà hoạch định chiến lược và có những kỷ năng sống và xử lý tình huống tuyệt vời, để đối mặt với bao nguy hiểm rình rập, bệnh tật chết người và cả thức ăn nước uống dọc đường. Eutace khi đi bộ qua con đường mòn Appalachia đã từng suýt chết đói nếu không bắt được một con nhím và đã từng nổi điên khi cô bạn gái vứt bỏ cái đầu và bộ da của con thỏ khi làm thịt. Nửa đêm lạnh giá, Eutace bắt cô phải đào đất để tìm lại những thứ cô vứt bỏ chỉ để dạy cho cô bản năng sinh tồn, dù hành động đó đã khiến cô rời bỏ anh ta sau đó… (Lúc nào có thời gian nhiều hơn sẽ viết về 3 nhân vật này kỹ hơn)

Quay trở lại với Huyền Chip, câu chuyện một cô gái Việt 20 tuổi lên đường với xuất phát điểm 700 đô trong túi và cuối cùng thực hiện được một cuộc hành trình qua 25 nước thực sự là quả cảm nhưng hoàn toàn có thể thực hiện được với những hành trang mà cô có. Nếu đọc sách và theo dõi facebook của cô, mình nghĩ hành trình của cô hoàn toàn có thể tin được (trừ một vài chi tiết mà có thể cô thêm bớt hoặc không đưa vào). Với một trái tim rộng mở và nhiệt huyết (đi đâu gặp bạn bè đấy), khả năng xử lý tình huống thông minh (kỹ năng xin visa, kỹ năng đối phó với nguy hiểm) và lên lịch trình chi tiết… chuyến hành trình qua 25 nước (chủ yếu là những nước châu Á, châu Phi và Trung Đông, những nước không quá khắt khe về chứng minh tài chính khi xin visa) tuy gian nan nhưng cô đã thực hiện được với nỗ lực của mình. Cuốn sách cô viết lúc đầu mình cũng không thích, đơn giản bởi nó như nhật ký hành trình, nhưng đọc hết thì thấy thú vị, vì sự nồng nhiệt và niềm say mê lên đường của cô và cả những kỹ năng mà cô chia sẻ cho các bạn trẻ khác.

Một cô gái như thế, truyền được sức sống và cảm hứng cho các bạn trẻ ở lứa tuổi của cô là hoàn toàn đáng biểu dương, trong một thời đại đang khánh kiệt niềm tin như bây giờ. Vậy mà cả một đám đông lao vào tấn công cô và nhân danh đủ thứ để khép tội và châm biếm, chế giễu cô gái lứa tuổi 20 này, trong đó phần lớn là những người lớn tuổi hơn cô. Có lẽ do chúng ta đã sống lâu trong giả dối và hèn kém nên nghi ngờ tất cả những câu chuyện kỳ diệu hoặc cũng có thể “chúng ta đã sa đọa và trở nên kém cỏi đến thế nào vì tiện nghi vật chất của cuộc sống hiện đại” (trích dẫn trong Người đàn ông Mỹ cuối cùng)

Một góc nhìn khác về Huyền Chíp:

Xách ba lô lên và đi: Hiểm họa rình rập

***

Nguồn: Cẩm Nang Du Lịch iVIVU.com – Theo Nhà báo Lê Hồng Lâm

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...