Ảo tưởng khởi nghiệp của tôi

15:06 28/01/2015

Đó là câu chuyện mà một bạn trẻ tốt nghiệp ĐH Nông Nghiệp Hà Nội chia sẻ tại diễn đàn kinh tế LifeB, diễn ra tại Hà Nội hôm 24/1.

Diễn đàn đã kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, tận 7 giờ tối, trước rất nhiều câu hỏi về khởi nghiệp của các bạn trẻ.

Diễn đàn đã kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, tận 7 giờ tối, trước rất nhiều câu hỏi về khởi nghiệp của các bạn trẻ. Ảnh: DANH ANH

Với chủ đề “Thách thức 2015”, diễn đàn kinh tế LifeB (Nhóm hỗ trợ khởi nghiệp LifeB, Hà Nội tổ chức) mang đến cho hơn 300 người tham dự cái nhìn thực tế về con đường khởi sự kinh doanh.

Chương trình dự kiến diễn ra trong ba tiếng nhưng đã kéo dài tới năm tiếng, hàng trăm người tham dự chỉ chịu rời hội trường lúc 19 giờ, trước khi diễn giả ra sân bay…

Các bạn trẻ có mặt băn khoăn trước nhiều vấn đề: Có nên đi làm thuê trước khi khởi nghiệp? Các bạn trẻ ở nông thôn, tỉnh lẻ cần làm gì khi không có nhiều điều kiện tiếp cận với tiến bộ công nghệ và thay đổi xu hướng? Khi thấy những gì được dạy ở trường là không cần thiết đối với mình thì có nên mạnh dạn bỏ học?…

Bạn Nguyễn Xuân Đài, mới tốt nghiệp ĐH Nông nghiệp Hà Nội, đã đạt được thành công bước đầu khi đoạt giải cao nhất tại một số cuộc thi khởi nghiệp lớn.

Thẳng thắn chia sẻ những ngộ nhận của mình ở chặng đường đầu của quá trình kinh doanh, Đài làm nóng diễn đàn ngay từ những phút mở đầu khi nói về “những ảo tưởng khởi nghiệp của tôi”.

Đài cho biết mình đã phải lao đao rất nhiều khi chỉ mải mê với những viễn cảnh đẹp tưởng tượng, trong khi thực tế công ty mới thành lập hết tiền, bị nhân viên đòi lương, nợ lương.

Nguyễn Xuân Đài bảo: “Những thúc ép tồn tại khiến tôi nhận ra mình chưa biết chú trọng đến dòng tiền tức thời, ngắn hạn, giống như cái xe cần được tiếp nhiên liệu hàng ngày. Bản thân tôi đã không nề hà, làm rất nhiều công việc khác nhau để nuôi bản thân và duy trì công ty”.

“Khi bạn đói thì bạn chẳng làm được gì chứ đừng nói là mơ mộng viển vông”, Đài nói.

Khi khởi nghiệp, phải đối mặt thách thức

Ý kiến của Nguyễn Xuân Đài vấp phải sự phản bác của ông Giản Tư Trung, hiệu trưởng trường doanh nhân PACE.. Ông cho rằng: “Khi đói mà không vượt qua được thì khi no chưa chắc đã làm việc cho tử tế. Đó chính là một thách thức”.

Ông cho rằng không ai có thể dạy ai cách khởi nghiệp. Bởi vì, “không ai thay đổi được mình ngoại trừ chính họ”. Trước hết, mỗi người cần có lý trưởng thay đổi bản thân mình thay vì rập khuôn theo cách thức, câu chuyện có sẵn hoặc chờ đợi người khác chỉ dẫn.

“Khởi nghiệp là làm công việc mới với cách thức mới, có sự thúc đẩy của sáng tạo, để tạo cho mình năng lực tốt hơn, mang đến sản phẩm, dịch vụ giá trị hơn”, ông Giản Tư Trung chia sẻ.

Câu chuyện mà chủ tịch kiêm tổng giám đốc tâp đoàn Thiên Minh – ông Trần Trọng Kiên – mang đến là minh chứng rõ ràng cho điều này.

Theo ông Kiên, khởi nghiệp không phải là có vốn hoặc huy động được vốn để làm những việc người khác đã làm rồi. Có tiền, mua nhà, mua đất không phải là khởi nghiệp; mà khởi nghiệp là khi chúng ta làm gì, theo cách thức nào với mảnh đất, ngôi nhà đó, để tạo ra giá trị cho cộng đồng.

“Doanh nhân khởi nghiệp là người làm việc phục vụ cho những giá trị mà họ theo đuổi. Mỗi việc làm ấy gắn với phát triển văn hoá, phát triển cộng đồng, chứ không chỉ là việc kiếm tiền. Đó là thách thức của khởi nghiệp”, ông Kiên nói.

Dù tốt nghiệp trường Y, nhưng doanh nhân Trần Trọng Kiên rẽ sang hướng đi hoàn toàn mới với mình và đang điều hành hơn 30 công ty hoạt động trên 3 lĩnh vực kinh doanh chính là du lịch, khách sạn và đặt phòng trực tuyến.

Năm 2014 vừa qua, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) chọn Thiên Minh là một trong 20 công ty tăng trưởng nhanh nhất Đông Á. Cũng năm qua, Thiên Minh gây ấn tượng khi cho ra mắt hãng hàng không Hải Âu cung cấp dịch vụ thủy phi cơ đầu tiên tại Việt Nam.

Là một chuyên gia kinh tế chỉ có bằng cử nhân, bà Phạm Chi Lan cũng được đông đảo người tham dự tán thưởng qua phần trình bày về doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) với những thách thức hội nhập. Bà cung cấp cho người trẻ có mặt bức tranh khái quát về kinh tế của đất nước gắn với quá trình hội nhập, đã và sẽ ký kết các hiệp định thương mại song phương, đa phương quan trọng với các nước trong khu vực và quốc tế.

Trước những hiệp định lớn được ký kết trong năm nay như FTA với Hàn Quốc, châu Âu, ASEAN và đặc biệt là Hiệp định TTP chắc chắn sẽ được thông qua trong năm 2015, một lần nữa bà lại đặt ra câu hỏi: Chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến việc khi nào ký kết, những cơ hội và thách thức là gì, mà nói quá ít về việc ta đã chuẩn bị gì để hội nhập với các nền kinh tế lớn hơn hẳn ta.

“Ngay với những nước trong khi vực, khoảng cách giữa mình với họ vẫn đang ngày càng xa vời”, bà Chi Lan nhận định.

Theo Tuổi Trẻ

Tiết kiệm đến 65% khi đặt phòng khách sạn trực tuyến tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (3 lượt, 4,67 điểm trên 5)
Loading...