72h ngao du miền nắng gió Bình Thuận

15:01 15/02/2015

Khám phá Cổ Thạch, hải đăng Kê Gà, chinh phục Tà Cú và ngắm nhìn Bàu Trắng là những chặng đường hấp dẫn cho kỳ nghỉ lễ Tết.

Bình Thuận, tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí địa lý trải dài. Trong đó, phía Tây Bắc giáp Ninh Thuận, mạn Bắc giáp Lâm Đồng còn khu vực phía Nam và Tây Nam tiếp giáp Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai.

Địa hình nơi đây đặc biệt được thiên nhiên ưu đãi với rừng núi, đồi cát, biển đảo… Tất cả biến Bình Thuận thành vùng đất có thế mạnh lớn về du lịch. Dưới đây là lịch trình gợi ý cho du khách trong 72h ở đây.

Ngày 1: Sài Gòn – Tà Cú – Kê Gà – Phan Thiết

Chinh phục đỉnh Tà Cú, tham quan mũi Kê Gà, dạo đêm thành phố biển Phan Thiết và thưởng thức các món đặc sản địa phương là những điều thú vị du khách cần dành thời gian khám phá, tìm hiểu trong ngày đầu tiên đặt chân đến Bình Thuận.

Buổi sáng: chinh phục đỉnh Tà Cú

Núi Tà Cú cách TP HCM khoảng 175 km. Du khách cần vượt đoạn đường hơn 2 km với khoảng 2 giờ đi bộ qua những rừng cây, núi đá để đến đỉnh cao 649 m so với mặt nước biển. Đoạn đường từ chùa Dưới lên chùa Trên, bạn sẽ bắt gặp tượng Phật Thích Ca dài 49m.

Chinh phục ngọn núi, ngắm nhìn cảnh quan tươi đẹp trải dài từ những ruộng đồng vươn đến bờ biển phía xa xa mang lại du khách trải nghiệm thú vị về sức khỏe và tinh thần. Các bạn cũng có thể “bay vù” lên đỉnh núi bằng hệ thống cáp treo nếu không có nhiều thời gian hoặc sức khỏe không đảm bảo cho hành trình chinh phục.

Buổi trưa: nghỉ ngơi và cơm trưa

Sau hành trình chinh phục Tà Cú, du khách có thể bị mệt mỏi. Đến vùng biển Kê Gà để dùng cơm trưa và nghỉ ngơi là lựa chọn hợp lý về không gian lẫn giá cả. Nhiều món ăn từ đơn sơ, dân dã đến các loại hải sản đều có ở những quán gần hải đăng Kê Gà như Trọng Tâm, Cây Dứa… Một bữa ăn cho nhóm 4 – 6 người chỉ mất khoảng 300.000 đồng với nhiều món. Ngoài ra tại nơi này, du khách có thể thuê ca nô ra tham quan hải đăng Kê Gà gần đó.

Buổi chiều: tham quan mũi Kê Gà

Sau bữa cơm trưa và nghỉ ngơi, điểm đến tiếp theo là vùng biển mũi Kê Gà cùng ngọn hải đăng lâu đời nơi đây. Biển ở mũi Kê Gà khá đẹp với những dải cát trắng còn hoang sơ, bãi đá hình thù kỳ lạ, đẹp mắt thích hợp cho các bạn đam mê săn ảnh.

Mũi Kê Gà có cảnh sắc đẹp, thích hợp cho những ai đam mê chụp ảnh.

Mũi Kê Gà có cảnh sắc đẹp, thích hợp cho những ai đam mê chụp ảnh.

Ngọn hải đăng Kê Gà sừng sững được công nhận là lâu đời nhất ở Việt Nam. Để ra đó, bạn có thể thuê ca nô hoặc đi bằng thuyền thúng. Chi phí một chuyến ca nô tùy thuộc vào đoàn đông hoặc ít (thông thường là 50.000 đồng mỗi người). Từ ngọn hải đăng ngắm nhìn ra phía làng chài, bãi đá, đồi cát là những khung cảnh mà du khách sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi vẻ đẹp của thiên nhiên. Nếu dư giả về thời gian, bạn có thể ngắm nhìn hoàng hôn ngả bóng chiều tà rất đẹp trước khi khởi hành về thành phố Phan Thiết.

Buổi tối: dạo đêm thành phố Phan Thiết

Sau một ngày khám phá và chinh phục, thành phố Phan Thiết sẽ là nơi thích hợp cho bạn nghỉ ngơi và thưởng thức bữa tối. Quán ăn, nhà hàng trên đường Phạm Văn Đồng (bờ kè sông Cà Ty) có đầy đủ những món ăn ngon, lạ chiều lòng thực khách khó tính nhất. Giá cả từ 30.000 đến 80.000 đồng cho một món như dông cát, cá lồi, ốc voi…

Sau bữa tối, các bạn có thể dạo mát trên đoạn bờ kè ngắm nhìn tháp nước cổ, cầu Lê Hồng Phong bắc qua dòng Cà Ty dưới ánh đèn lung linh trước khi nghỉ ngơi, chuẩn bị một hành trình mới vào ngày hôm sau.

Ngày 2: Phan Thiết – Bàu Trắng – Cổ Thạch – Mũi Né

Ngày thứ hai của hành trình sẽ là chuyến đi về phía Đông Bắc – nơi có các thắng cảnh, kiến trúc đặc trưng như tháp chàm Po Sah Inư, Bàu Trắng, Bàu Sen, chùa Cổ Thạch, bãi đá bảy màu…

Buổi sáng: tham quan tháp Chàm, khám phá Bàu Trắng, Bàu Sen

Đặc sản bánh hỏi lòng heo Phú Long hẳn sẽ là lựa chọn thú vị cho bữa sáng ngon miệng và nhẹ bụng. Phú Long cách thành phố Phan Thiết khoảng 7km về phía Bắc với hơn 10 quán kinh doanh món ăn ngon, lạ, đặc trưng này.

Sau bữa điểm tâm, du khách có thể rảo bước trên dốc đá tham quan di tích tháp chàm Po Sah Inư trên đồi Bà Nài để tìm hiểu văn hóa, kiến trúc Chăm rất đặc trưng còn lưu lại. Từ đỉnh đồi, phóng tầm mắt về làng chài Phú Hài xa xa, lắng nghe tiếng nhạc réo rắt vang trên đồi, ai cũng sẽ cảm thấy cuộc sống thật thanh bình, yên ả, mọi bận rộn dường như không còn.

Sau khi tham quan tháp chàm Po Sah Inư, bạn nên tận dụng thời gian nắng sớm còn chưa gay gắt để đến khám phá Bàu Trắng, Bàu Sen. Thời gian đẹp để khám phá bàu vào khoảng 8h30 đến 10h.

Bàu Trắng được bao quanh bởi những đồi cát trắng trải dài mênh mông, còn Bàu Sen được người dân trồng sen rất đẹp. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng hai bàu nước như làm dịu bớt sự mênh mông, khô hạn của vùng hoang mạc. Các tay săn ảnh thỏa sức sáng tạo hoặc bạn trẻ năng động có thể thuê xe địa hình để chinh phục và khám phá các đồi cát trắng.

Buổi trưa: nghỉ ngơi tránh nắng và ăn trưa

Nhiều lựa chọn tùy theo khẩu vị và sở thích ăn uống đáp ứng nhu cầu du khách cho bữa trưa. Bạn có thể ăn ngay tại khu du lịch Bàu Trắng, đi thẳng đến thị trấn Liên Hương thưởng thức hải sản tươi ngon hoặc tới chùa Cổ Thạch để dùng bữa chay thanh tịnh với giá cả rất phải chăng. Điều lưu ý là nên nghỉ ngơi ngay tại đây vì ánh nắng buổi trưa ở vùng đất này rất gay gắt.

Rất nhiều món đặc sản đang chờ bạn thưởng thức với hương vị đậm tính địa phương.

Rất nhiều món đặc sản đang chờ bạn thưởng thức với hương vị đậm tính địa phương.

Buổi chiều: tham quan chùa Cổ Thạch, ngắm hoàng hôn ở bãi đá bảy màu

Chùa Cổ Thạch là một quần thể kiến trúc độc đáo. Các điện, cốc, am của chùa nằm hài hòa trên đồi đá hoặc lọt thỏm giữa tảng đá to nên chùa Cổ Thạch còn được gọi là chùa Hang.

Kiến trúc tôn giáo, văn hóa chùa Cổ Thạch có từ lâu đời và có giá trị tinh thần, tâm linh. Mất khoảng hơn một giờ để tham quan hết khuôn viên của chùa. Dạo chơi thăm thú bãi biển Cà Dược (bãi đá bảy màu Cổ Thạch) gần chùa chắc chắn là lựa chọn không thể bỏ qua. Cũng như các bãi biển khác, biển Cổ Thạch thuộc xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong, có màu nước xanh biếc tuyệt đẹp.

Điểm hấp dẫn nhất chính là bãi đá cuội đầy màu sắc mà người dân còn gọi là bãi sỏi. Bãi đá tại Cổ Thạch được công nhận là bãi đá có nhiều màu sắc nhất Việt Nam. Dạo bước chân trần ở đây cũng được xem là liệu pháp spa đá nóng thiên nhiên tuyệt vời bên những đợt sóng vỗ. Lang thang và đợi chờ ánh nắng nhạt dần về phía chân đồi, ngắm nhìn hoàng hôn buông xuống trên những viên đá sẽ là trải nghiệm khó quên.

Buổi tối: dạo biển Mũi Né, thưởng thức hải sản

Sau khi ngắm hoàng hôn, chia tay Cổ Thạch, du khách sẽ quay về Mũi Né nghỉ ngơi sau một ngày rong chơi khám phá. Vốn được mệnh danh “thiên đường resort phương Nam”, Mũi Né là lựa chọn hợp lý cho một đêm nghỉ ngơi tại đây để ngắm bình mình sớm hôm sau.

Ở đây có rất nhiều khách sạn, resort san sát dọc bờ biển trên đường Nguyễn Đình Chiểu. Do đó, không quá khó để lựa chọn một điểm nghỉ ngơi phù hợp tài chính. Dạo bước trên bãi biển về đêm, lắng nghe tiếng sóng vỗ bờ và thưởng thức hải sản ở làng chài sẽ để lại dấu ấn lãng mạn trong lòng du khách về chuyến đi.

Ngày 3: Mũi Né – La Gi – Hàm Thuận – Sài Gòn

Ngày cuối cùng của hành trình, hãy dành một buổi sáng nghỉ ngơi, thả lỏng trên bãi biển Mũi Né để hồi phục sức khỏe, tinh thần chuẩn bị cho công việc sau kỳ nghỉ. Thưởng thức hải sản ở thị xã Lagi, tham quan vùng đất thanh long Hàm Thuận Nam, sua đó bạn mới quay về TP HCM.

Buổi sáng: điểm tâm, nghỉ ngơi và thư giản

Hãy dậy thật sớm và tìm cho mình một góc quan sát đẹp, tựa lưng vào cây dừa ven biển lặng lẽ ngắm nhìn mặt trời từ từ nhô dần lên phía xa. Sau đó, bạn mới trở về dùng điểm tâm và tiếp tục dành hẳn buổi sáng để nghỉ ngơi, tắm biển. Thả mình trong dòng nước biển xanh trong, bước chân trên những bờ cát trắng trải dài là cách nhanh và tốt nhất để hồi phục sức khỏe.

Buổi trưa: tham quan và ăn trưa ở thị xã Lagi

Sau khi chia tay Mũi Né, trên hành trình quay trở về du khách có thể dừng chân tại thị xã Lagi để tham quan và ăn trưa. Lagi đang chuyển mình mạnh mẽ nhưng vẫn lưu giữ nét mộc mạc, hoang sơ. Bạn có thể tham quan làng chài, chợ hải sản và chọn thực phẩm yêu thích để chế biến thành các món ăn cho bữa trưa.

Buổi chiều: thăm vườn cây thanh long Hàm Thuận Nam, quay về TP HCM

Thanh long được mệnh danh là loài cây “thoát nghèo, làm giàu” của người nông dân Hàm Thuận Nam. Từ loài cây ban đầu được trồng chơi do thân, hoa lá trổ rất đẹp và phù hợp với khí hậu khô hạn khắc nghiệt, thanh long vươn mình, trở thành nguồn kinh tế cho các hộ gia đình làm nghề nông ở địa phương này.

Những hàng cây thanh long thẳng tắp cả một vùng rộng lớn đang là nguồn kinh tế cho các hộ gia đình nơi đây.

Những hàng cây thanh long thẳng tắp cả một vùng rộng lớn đang là nguồn kinh tế cho các hộ gia đình nơi đây.

Trên hành trình trở về TP HCM, bạn sẽ bắt gặp những vườn thanh long rộng lớn, xanh mát ở Hàm Thuận Nam, nơi mệnh danh là xứ sở của cây thanh long. Dành thời gian ghé thăm vườn cây, thưởng thức trái thanh long có vị ngọt thơm mát của vùng đất đầy nắng để cảm nhận vị quê hương. Sau đó, bạn có thể mua về làm quà.

Phương tiện di chuyển

Du khách có thể đến Phan Thiết bằng các phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô để linh động trong việc di chuyển tham quan. Bạn cũng có thể di chuyển bằng các hãng xe trên tuyến Sài Gòn – Phan Thiết như Phương Trang, Mai Linh… Hoặc để tiết kiệm thời gian hãy chọn xe lửa. Hành trình di chuyển khoảng 3,5 tiếng trên tuyến SPT2 chạy hàng ngày, xuất phát từ TP HCM lúc 6h50 và đến Phan Thiết lúc 10h30.

Theo VnExpress

Tham khảo danh sách KHÁCH SẠN TẠI KÊ GÀ giá ưu đãi tuyệt vời tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 lượt, 3,00 điểm trên 5)
Loading...