Bản đồ Tổ quốc bằng đá ở Cổng trời

23:09 04/03/2015

Trước cổng trời Trà Lĩnh là những phiến đá vút thẳng lên trời, có cảm giác như đi vượt qua những phiến đá (cánh Cổng trời) ấy là đã đến… Trời.

Cổng trời thường là nơi rất cao, chỗ tiếp giáp trời và đất. Ở Hà Giang, có cổng trời Mã Pí Lèng (Sống Mũi ngựa), ở Tây Bắc có Phạ Đin (thường được đọc chệch đi thành Pha Đin). Ở Cao Bằng có Ảng Giàng, huyện Hòa An (quê hương của bà Đàm Thị Loan, phu nhân đại tướng Hoàng Văn Thái).

Trong bài này tôi giới thiệu một cổng trời rất khác lạ, có địa thế thấp (cao chưa đến 1.000 m so với mặt nước biển). Địa điểm đó được xác định là nơi tốt nhất để tiếp nhận sinh khí vũ trụ, đươc gọi là cổng trời nằm trên dãy núi Phia Đảy, thuộc thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng.

Cổng trời Trà Lĩnh được phát hiện năm 2007. Đến thị xã Cao Bằng, rẽ thẳng vào miền đông, đến đỉnh đèo Mã Phục, nơi có đường một ngả rẽ đi Trùng Khánh (có thác Bản Giốc), một ngả rẽ vào Trà Lĩnh (có hồ Thang Hen). Đến thị trấn Trà Lĩnh, nhằm hướng tây bắc đến chân núi Phia Đảy (cách trung tâm huyện lị khoảng 400 m), leo lên con đường độc đạo đến một bãi đất phẳng, dưới chân một vách đá cao cách chân núi khoảng chừng 50 m. Đây là cổng trời.

Sau khi cổng trời Trà Lĩnh được phát hiện khách thập phương đến thăm quan, cúng bái, cầu tự… ngày càng đông (trước đây họ chỉ đến thăm di tích Ngườm Giộc Đâu, cách cổng trời chừng 20 m). Ngày rằm tháng Giêng là ngày lễ chính trong năm, xe con đỗ nối đuôi nhau, dọc con đường qua phố huyện dài hơn một cây số. Khách đến cổng trời Trà Lĩnh thắp hương cúng bái, cầu khấn, cầu lộc, cầu tài, cầu cho quốc thái – dân an, mưa thuận – gió hòa, mùa màng bội thu.

Bản đồ Tổ quốc bằng đá tự nhiên ở cổng trời Trà Lĩnh.

Bản đồ Tổ quốc bằng đá tự nhiên ở cổng trời Trà Lĩnh. Ảnh: Hoàng Quảng Uyên.

Tôi không mấy tin vào sự huyền diệu của ngoại cảm, tâm linh nên mãi đến tháng 9/2014, khi “danh tiếng” của cổng trời Trà Lĩnh đã truyền rộng, truyền xa tôi mới lần đầu tiên đặt chân tới trong lần đưa một số nhà thơ đi thăm thú danh lam, thắng cảnh tỉnh Cao Bằng. Tôi thực sự ngỡ ngàng lạc vào thế giới đá kỳ vĩ nơi tiên cảnh. Dọc đường lên cổng trời, phía bên tay phải một dãy đá rộng uốn lượn thành hình những con sóng xao động trên mặt hồ. Lùi ra xa nhìn lại thì giống như mái tóc của tiên nữ buông lơi.

Trước cổng trời là những phiến đá vút thẳng lên trời, có cảm giác như đi vượt qua những phiến đá (cánh cổng) ấy là đã đến… trời! Và điều đặc biệt nhất, ấn tượng nhất là một dải đá hình chữ S, uốn lượn mang dáng hình bản đồ nước Việt Nam! Người dân ở đây bảo rằng, mọi người không ai liên tưởng dải đá ấy với hình bản đồ Việt Nam cho đến khi một người khiếm thị lên chỉ vào dải đá phán rằng: Việt Nam! Việt Nam! thì mọi người mới chợt ồ lên: Giống quá!

Mở rộng tầm khảo sát, ở phía bên phải có 9 hàng đá xếp đều chằn chặn mang hình quẻ Càn. Phía trên là hình đầu hổ, hình sư tử đá… Theo quan niệm về phong thủy thì đây là khu vực Đầu Rồng, đất lành, địa thế đẹp, linh thiêng.

Có một điều nữa, dường như ông trời đã ban tặng cho vùng đất Phia Đảy nhiều thắng cảnh kỳ bí. Ở lưng chừng Phia Đảy có một hang động gọi là Ngườm Giộc Đâu (ở Bản Giốc, Trùng Khánh có động Ngườm Ngao) – về độ hoành tráng (dài, rộng) thì Giộc Đâu không bằng Ngườm Ngao, nhưng về vẻ đẹp, vẻ thần tiên chắc chắn không hề kém cỏi.

Ngày 18/9/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành quyết định số 2161/QĐ – UBND xếp động Giộc Đâu, huyện Trà Lĩnh vào danh sách di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh. Cùng với việc “phát hiện” cổng trời – vùng đất núi Phia Đảy có nhiều tiềm năng trở thành khu du lịch thắng cảnh – tâm linh, hợp với hồ Thang Hen (cách đó chừng 10 km) đem lại diện mạo du lịch mới cho Trà Lĩnh.

Theo Tienphong.vn

Đặt phòng khách sạn trực tuyến tiết kiệm đến 65% tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...