Khóc cười với chuyến du lịch Ấn Độ

10:07 27/06/2013

Những kinh nghiệm quý báu về phong tục cũng như thói quen ăn uống của người dân Ấn Độ.

Không chỉ có được những trải nghiệm thú vị khi ngồi thuyền dạo trên sông Hằng nổi tiếng hay đặt chân đến những vùng đất Phật linh thiêng, chuyến du lịch Ấn Độ của đoàn chúng tôi cũng xảy ra không ít tình huống cười ra nước mắt.

Tai nạn trên sông Hằng

Một khúc sông Hằng

Một khúc sông Hằng

Trong hành trình đến Sarnath (vườn Lộc Uyển), nơi Đức Phật có bài thuyết pháp đầu tiên, đoàn chúng tôi dừng chân tại thành phố cổ Varanasi (Bà La Nại), nơi có dòng sông Hằng nổi tiếng chạy qua. Varanasi được xem là nơi tập trung đông đảo tín đồ đạo Hindu từ khắp đất nước quy tụ về để trầm mình trong dòng sông mẹ, gột rửa hết mọi tội lỗi.

Sông Hằng ấn tượng nhất là buổi chiều khi hoàng hôn xuống, mọi người tập trung cùng các đạo sĩ hành lễ chào mặt trời.Và vào buổi sáng sớm, hàng ngàn người xuống sông tắm rửa, đánh răng, bơi lội, cầu nguyện và cả giặt giũ.

Khi đoàn đang xuống thuyền để đi dạo, bỗng nhiên nghe nhiều tiếng ồn ào. Mọi người giật mình quay lại thì phát hiện một nữ du khách trong đoàn đang đứng dưới nước, xung quanh là ánh mắt giận dữ cùng những tiếng quát của nhiều người dân bản địa. Trong khi vị nữ du khách nọ đứng như trời trồng, tất cả du khách trong đoàn cũng ngơ ngác nhìn nhau chẳng biết chuyện gì đang diễn ra.

Chỉ đến khi anh hướng dẫn người địa phương dắt vị nữ du khách lên thuyền và giải thích thì mọi người mới hiểu mọi chuyện. Theo lời anh hướng dẫn, với các tín đồ đạo Hindu, dòng sông Hằng rất linh thiêng, khi bước xuống họ chỉ dùng chân trần vì đó mới là cách tôn trọng dòng sông mẹ. Trong khi vị nữ du khách nọ mang cả dép lội xuống sông.

Người dân thường xuống sao6ng để cầu nguyện, tắm rửa, giặt giũ

Người dân thường xuống sông để cầu nguyện, tắm rửa, giặt giũ

Rút kinh nghiệm, các du khách chọn cách nhảy từ bờ lên thuyền, dù anh hướng dẫn đã trấn an rằng vẫn được phép nhúng dép vào nước khi lên thuyền.

Từ trên thuyền ngắm hai bên bờ sông Hằng, đập vào mắt chúng tôi là hàng trăm ghat (bến nước) được các vị vua chúa thời xưa xây dựng. Con thuyền từ từ tiến lại ghat Manikarnika, ngọn khói trắng tỏa lên lấp đầy những tia nắng mặt trời ban mai. Manikarnika là nơi các tín đồ đạo Hindu qua đời được đưa đến để hỏa táng. Ngọn lửa cháy tại ghat này tương truyền đã được thắp lên hơn 2.000 năm nay và chưa bao giờ tắt. Đây cũng là nơi mà rất nhiều người theo Ấn Độ giáo mong muốn được thiêu xác khi chết và tro được rải trên sông Hằng.

Thuyền vừa cập vào ghat Manikarnika, nhiều du khách giương máy ảnh lên chụp hình, bất ngờ có một người đàn ông đứng trên bờ liên tục hét to với giọng khá tức giận: “No photo, no photo!” (không chụp hình) làm mọi người giật nảy mình. Theo anh hướng dẫn, người đã mất thường không muốn bị làm phiền, nghi thức hỏa táng lại rất linh thiêng nên họ không muốn cảnh nhộn nhạo, chen chúc chỉ để chụp một cái xác chết. Sau thoáng chốc bất ngờ, các du khách mới trật tự cất máy ảnh.

Náo loạn chuyện ăn uống

Cũng trong chuyến đi này, đoàn khách của chúng tôi đã trải qua một phen “náo loạn” do bị… Tào Tháo rượt. Món cơm cari kiểu Ấn khá ngon cộng với cơn đói kèm khát do cả buổi chiều tham quan khiến vài du khách trong đoàn ăn hăng hái và không lâu sau thì bị… đau bụng.

Hành trình lên núi Linh Thứu và Đại học Nalanda không xa nhưng khá căng thẳng và kéo dài hơn dự kiến. Bởi xe lăn bánh được một đoạn ngắn, cứ đến một địa điểm thuận tiện lại có người xin xuống xe khẩn cấp để… giải quyết. Khi đến được điểm tham quan, thay vì tản ra chụp hình hay ngắm cảnh, nhiều du khách chạy tìm chỗ…

Sau bữa trưa rón rén với vài hạt cơm và ít canh do sợ lại bị đau bụng, mọi người mới an tâm quay lại với mục đích chính của chuyến đi là tham quan và chụp hình.

Kinh nghiệm:

* Khi đến những vùng đất mới, du khách yếu bụng nên tránh những món ăn có gia vị lạ, giàu bơ kem, nước dừa…

* Nên mang theo thuốc chống đau bụng.

* Không nên nhịn quá lâu vì sẽ ảnh hưởng không tốt cho cơ thể và cả tâm lý.

* Khi cảm thấy mệt nên mạnh dạn nghỉ ngơi một buổi để giữ sức cho những hành trình dài.

* Cần chú ý đến những cảnh báo như không quay phim chụp hình tại một số điểm tham quan, đặc biệt là chốn linh thiêng.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: Tuổi trẻ.

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 lượt, 4,00 điểm trên 5)
Loading...