Người nước ngoài đối đầu ngoạn mục với xe ôm Việt Nam

12:13 30/07/2013

Có thể đối với chúng ta, xe ôm chỉ đơn thuần là một phương tiện đi lại bình dân. Thế nhưng trong mắt khách du lịch nước ngoài, nó còn là một đặc trưng độc đáo trong văn hóa đời sống của người dân Việt Nam. Dưới đây là câu chuyện thú vị về xe ôm, được kể lại bởi một nữ du khách đến từ Montreal, Canada.

Du khách nước ngoài thích thú với xe ôm Việt Nam

Du khách nước ngoài thích thú với xe ôm Việt Nam

Sau chuyến du lịch Cần Thơ và đồng bằng sông Cửu Long, tôi có một chuyến đi dài để trở về Sài Gòn. Bởi vì bến xe Miền Tây nằm khá xa trung tâm thành phố nên công ty xe khách cung cấp xe đưa đón giúp chúng tôi di chuyển từ ngoại thành vào quận 10. Vừa bước xuống xe, tôi lập tức bắt gặp một nhóm đông đúc các tài xế taxi hai bánh (người dân Việt Nam thường gọi là xe ôm).

Họ nhiệt tình gọi tôi: “Hey you, you YOU! I take YOU.” (Này, cô ơi! Tôi sẽ chở cô.) Một người đàn ông khác thậm chí đứng ngay cửa xe và liên tục hỏi: “You need moto taxi? I take YOU to hotel.” (Cô cần taxi hai bánh đúng không? Tôi sẽ đưa cô về khách sạn nhé.) Tôi chỉ cười và loay hoay mang hành lý của mình xuống xe. Bởi vì tôi chỉ mang theo túi ngủ và một chiếc ví nên có thể dễ dàng thoát khỏi “vòng vây” của các tài xế để vào bên trong phòng chờ của công ty xe khách.

Trong những chuyến du lịch đến các nước Đông Nam Á hoặc Nam Mỹ, mỗi khi xuống xe hay tàu là tôi lập tức “phi thẳng” đến phòng chờ. Mục đích của việc làm này là để tránh sự đeo bám của các tài xế. Tôi thậm chí còn đến bàn tiếp tân, giả vờ hỏi một số chuyện linh tinh nhằm phân tán sự chú ý của họ. Sau khi tôi đã nghỉ ngơi đủ, đồng thời đám đông bên ngoài cũng giải tán bớt, tôi mới trở ra và đón xe.

Du khách nước ngoài thích thú với xe ôm Việt Nam

Người đàn ông khi nãy vẫn kiên trì gọi tôi: “I like you. I am handsome. I TAKE YOU!” (Tôi thích cô. Tôi đẹp trai này. Tôi sẽ chở cô nhé). Tuy nhiên, tôi đã từ chối. Nhìn xung quanh một hồi, tôi quyết định đi đến chỗ một bác tài xế lớn tuổi. Tôi hỏi ông ấy: “Hi, can you take me to Nguyen Thi Minh Khai and Mac Dinh Chi?” (Xin chào, bác có thể đưa tôi đến khúc đường Nguyễn Thị Minh Khai và Mạc Đĩnh Chi không?) Bác tài xế đưa ra mức giá cao gấp đôi số tiền mà tôi dự định trả. Thế là, tôi quyết định trả thấp xuống một nửa. Những tài xế xung quanh nghe thấy liền cười khúc khích.

Không nói lời nào, bác ấy liền quay đầu xe và băng qua bên kia đường. Tôi quyết định đi theo. Giữa một “biển” xe máy và cả xe buýt, tôi đi chậm chậm từng bước một. Bác tài xế đứng đợi tôi trên vỉa hè, kế bên một xe bán súp. Tay bác ấy đã cầm sẵn mũ bảo hiểm. Khi tôi tiến tới, bác ấy liền đưa chiếc mũ cho tôi và nói rằng: “Ok, you pass test. I give you your price.” (Được rồi, cô đã vượt qua bài kiểm tra. Tôi chấp nhận mức giá của cô.) Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện trả giá taxi đi kèm với bài kiểm tra băng qua đường như thế này.

Trên đường đi, bác tài xế nhiệt tình chỉ tôi những tiệm ăn mà bác ấy thường cùng gia đình đến dùng bữa. Khi nhìn thấy những điều đặc biệt mà tôi chưa từng thấy bao giờ, tôi yêu cầu bác tài xế dừng lại. Tất nhiên, bác ấy cũng vui vẻ ngừng xe. Trong lúc chờ tín hiệu đèn giao thông, bác thoải mái cười với những người đi đường khác. Tất cả mọi thứ đem đến cho tôi một cảm giác rất thích thú. Hình ảnh của người tài xế xe ôm cũng để lại trong tôi nhiều ấn tượng đẹp.

Anthony Bourdain từng nói rằng, chạy xe hơi ở Việt Nam rất bất tiện bởi vì nó hạn chế sự di chuyển của bạn, đồng thời nó cũng khiến bạn không thể dễ dàng tiếp cận những hàng quán lề đường – nơi phục vụ những đặc sản địa phương. Điều này hoàn toàn chính xác. Tôi thích ngồi trên xe ôm để đi dạo xung quanh thành phố. Tôi có thể nhìn ngắm mọi thứ xung quanh, lắng nghe mọi thanh âm trong cuộc sống thường nhật của người dân Việt. Quan trọng hơn, những người tài xế nhiệt tình chẳng những làm công việc lái xe mà còn trở thành những “hướng dẫn viên du lịch” tạm thời. Ngồi đằng sau nghe họ giới thiệu, tôi học hỏi được nhiều điều thú vị về đất nước cũng như con người ở đây.

Thành phố Hồ Chí Minh là một trạm dừng phổ biến cho các tuyến đường Bắc Nam, miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Cảnh ‘rừng xe ôm” thú vị như vị khách nước ngoài trên trải qua có thể thấy được ở các bến xe lớn trong thành phố:

Bến xe miền Đông (292 Đinh Bộ Lĩnh, phường 26, Quận Bình Thạnh): các tuyến xe đi đến các địa điểm từ Vũng Tàu trở lên phía Bắc

Bến xe miền Tây (395 Kinh Dương Vương, Quận Bình Tân): các tuyến xe đi đến các tỉnh miền Tây như Cần Thơ, An Giang, Tiền Giang…

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...