Tháng 11 – Nhộn nhịp mùa Lễ hội tại Châu Á

17:04 02/10/2013

Vào dịp cuối năm, nhiều nước tại khu vực Châu Á như Lào, Campuchia, Thái Lan… đều có những lễ hội đặc sắc và thu hút sự quan tâm của đông đảo khách du lịch đến từ khắp thế giới. Trong bài viết này, iVIVU.com sẽ tổng hợp và giới thiệu đến các bạn những lễ hội sẽ diễn ra trong dịp cuối năm.

1. Lễ hội Soorya Arts (Ấn Độ)

Lễ hội Soorya Arts (Ấn Độ)

 

Với Ấn Độ, tháng 11 sẽ là tháng của Lễ hội. Bắt đầu ngay từ ngày đầu tiên của tháng cho đến hết tháng các lễ hội sẽ được nối tiếp diễn ra trên khắp đất nước Ấn Độ.

Trong đó, lễ hội Soorya Arts được coi là lễ hội dài nhất thế giới, kéo dài 111 ngày từ ngày 21 tháng 9 đến ngày 10 tháng 1. Trong thời gian đó sẽ có rất nhiều hoạt động diễn ra như phim ảnh, múa, âm nhạc, nghệ thuật dân gian…

Ngoài ra, từ ngày 2 tháng 11 cho đến hết tháng sẽ là các lễ hội nổi bật như: Guru Nanak Jayanti, lễ hội Hampi (Vijaya Utsav), Pushkar Camel Fair, Ganga Mahotsav, Kartik Purnima and Bali Yatra, Kolayat Fair (Kapil Muni Fair), Bundi Utsav, lễ hội Ellora Ajanta,…

2. Lễ Hội Nước (Campuchia)

Lễ Hội Nước (Campuchia)

 

Diễn ra vào mùa trăng tròn trong tháng 11 năm nay. Đây được coi là lễ hội lớn nhất trong lịch Khmer, lớn hơn cả lễ chào đón năm mới. Người dân Campuchia sẽ được nghỉ 10 ngày để chào đón lễ hội này. Họ sẽ tụ tập về các bờ sông Tonle Sap và Mekong ở Phnom Penh để xem đua thuyền quy mô lớn.

Có những năm có hơn 400 thuyền màu sắc rực rỡ tham gia với hơn 2.500 tay chèo. Hoạt động đua thuyền này đã có từ thời cổ xưa, thể hiện sức mạnh của thủy quân Khmer dưới đế chế Khmer.

Suốt cả ngày, các đội thuyền đua theo cặp trên đoạn sông dài 1km. Sau đó vào buổi tối, những chiếc bè gỗ được trang trí rực rỡ sẽ được thả nổi dọc con sông trước khi và trong khi bắn pháo hoa.

Lễ hội đánh dấu sự thay đổi dòng chảy của con sông Tonle Sap và cũng được coi là lễ tạ ơn con sông Mekong vì đã đem lại sự màu mỡ cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho người dân.

3. Lễ hội That Luang (Lào)

Lễ hội That Luang (Lào)

 

Lễ hội That Luang hay được gọi là Bun. Lễ hội này diễn ra ở chùa That Luang và chùa Si Muong – cũng gồm 2 phần: Phần lễ và Phần hội.

Phần lễ: là nghi thức tế tự do chính con người tưởng tượng ra để giao cảm với thần linh. Ngoài tính cách tín ngưỡng dân gian như nghi thức rước Phí Mương (thần bảo hộ tỉnh) từ Chùa Si Muong đến That Luang, lễ trong Boun That Luang còn mang ý nghĩa chính trị của Một Ngày Hội Thề.

Từ thời vua Fa Ngum (thế kỷ 14) cho đến 1975, lễ nầy do quốc vương Lào làm chủ tế. Trong lễ Hội Thề người ta thấy có mặt đầy đủ chức sắc, đại biểu, tỉnh mường, làng bản trưởng được mời về bàn việc nước … và mỗi vị có một cái kiệu bằng sáp ong (hó phợng), xếp thành hàng ngang trước nơi hành lễ.

Nhà sư chủ trì cầm một cuộn dây bằng sợi vải trắng đi vòng nối các tỉnh mường, làng bản lại với nhau. Biểu tượng nầy phản ánh sự cam kết trung thành, thống nhất, đoàn kết quốc gia, cấm chia rẽ.

Phần hội: Câu cửa miệng của nguời Lào là “Khôn Lao mặc muồn” (người Lào thích vui) được thể hiện rõ nét trong phần hội. Hội chủ yếu là vui chơi, giải trí dưới nhiều hình thức từ ẩm thực đến văn nghệ, văn hoá, thể thao, mua bán, triển lãm. Đặc biệt Bun That Luang cũng là thời điểm của Hội Chợ triển lãm tầm vóc quốc tế, kéo dài ba ngày, ba đêm.

Bun That Luang còn nổi tiếng với thực phẩm. Đến nỗi có một số người tham gia lễ hội chỉ vì… thức ăn. Có rất nhiều loại thực phẩm, từ những loại phổ biến đến những món ăn kỳ lạ.

Lưu ý, để được đem máy camera vào khu lễ hội, các bạn phải tốn phí 40.000 Kip (~5$). Nhưng đó chỉ là một khoản phí nhỏ so với những gì bạn có thể có được!

4. Lễ hội Loi Krathong (Thái Lan)

Lễ hội Loi Krathong (Thái Lan)

 

Cũng được tổ chức vào ngày rằm của tháng thứ 12 trong lịch âm truyền thống của Thái. Trong lịch tây, ngày này thường rơi vào tháng 11.

“Loi” có nghĩa là “nổi”, còn “Krathong” là “cái bè”, có đường kính chỉ bằng lòng bàn tay, thường được làm từ thân cây chuối. Ngày nay, bè có thể làm bằng bánh mì hoặc đôi khi là mút, được trang trí bằng lá chuối, hoa, nến, nhang,… rất công phu.

Vào đêm rằm, hàng ngàn người tụ tập bên các dòng sông, kênh hay thậm chí là ao hồ và biển, cầu nguyện trong im lặng và sau đó cẩn thận thả bè của mình theo dòng nước. Các phao nhỏ đựng hoa, nhang và nến được thắp sáng sẽ nhẹ nhàng trôi đi. Một số người còn thả bè vào trong chậu nước ở nhà.

Người Thái tin rằng thả bè trên sông như vậy là vinh danh và thể hiện lòng kính trọng của họ đối với Thủy Thần. Ngoài ra, thả bè còn là để tạ lỗi với Thủy Thần vì đã làm ô nhiễm con sông trong năm trước. Đó là lý do vì sao Loi Krathong được tổ chức vào cuối năm.

Ở bất cứ đâu trên đất Thái cũng diễn ra lễ hội này. Nhưng sôi nổi nhất có lẽ là tại thành phố Bangkok, với hàng dài các đoàn diễu hành đánh trống, các buổi biểu diễn văn nghệ và âm nhạc truyền thống của Thái, giải trí dân gian, bắn pháo hoa và nhiều trò khác.

Nhưng ở thành phố Chiang Mai, họ không thả bè mà thả lồng đèn Khổng Minh. Họ tin rằng những chiếc lồng đèn bay lên cao sẽ đem theo những phiền não của họ. Còn ở tỉnh Tak, một chuỗi lồng đèn sẽ được kết lại với nhau và thả lên cùng lúc. Lúc đó, một chuỗi hạt “Loi Krathong Sai” lấp lánh sẽ hiện ra trên bầu trời…

5. Lễ hội Voi Surin (Thái Lan)

Lễ hội Voi Surin (Thái Lan)

 

Diễn ra hàng năm vào thứ 7 của tuần thứ 3 tháng 11, tại Surin (còn được người dân địa phương gọi là I-San), Thái Lan. Lễ hội không chỉ nổi tiếng với người dân địa phương mà cả đối với du khách nước ngoài. Vào ngày này, sẽ có hơn 200 con voi tham dự lễ và thể hiện những kỹ năng mà chúng tập luyện trong năm.

Trong 2 ngày lễ hội, chúng sẽ có dịp thể hiện “tài năng” của mình qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng đá và cả kéo co với người. Đây cũng là dịp thể hiện tình yêu của người dân đối với loài động vật được yêu quý nhất của Thái Lan.

6. Lễ hội Karatsu Kunchi (Nhật Bản)

Lễ hội Karatsu Kunchi (Nhật Bản)

 

Ở Nhật Bản, sẽ có 4 lễ hội diễn ra từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 11, ở những địa điểm khác nhau. Trong đó, lễ hội Karatsu Kunchi được tổ chức tại thành phố Karatsu, quận Saga.

Lễ hội này sẽ bắt đầu vào tối ngày 2 tháng 11, diễu hành với một đoàn hikiyama là những chiếc thuyền lớn với nhiều hình thù khác nhau như nón của Samurai, cá tráp, rồng và các loài sinh vật kỳ lạ khác.

Điều đặc biệt là mỗi thuyền – dài từ 5 đến 6m – sẽ không được thả xuống sông, mà được khiêng bởi một đội những người đàn ông khỏe mạnh, miệng hát to “En-ya! En-ya! En-ya!”(hay “Yoi-sa! Yoi-sa! Yoi-sa!”).

7. Lễ hội Ohara (Nhật Bản)

Lễ hội Ohara (Nhật Bản)

 

Đây là lễ hội mùa thu lớn nhất ở Nam Kyushu, một đoàn không dưới 22.000 vũ công diễu hành trên đường, nhảy theo điệu nhạc dân gian “Ohara-bushi” và “Han\’ya-bushi”. Lễ hội này thu hút đến 600.000 người tham dự!

Riêng lễ hội Betchya, diễn ra tại đền Kibitsu-hiko, Onomichi, quận Hiroshima, những người đàn ông sẽ đeo mặt nạ hoặc ăn mặc giống sư tử, chạy trên những con đường đông đúc tìm trẻ em để…đánh chúng bằng roi tre.

Truyền thuyết cho rằng trẻ em bị đánh bằng cách này sẽ không bị bệnh tật trong năm tới. Ngoài ra, còn có ngày hội Awa Puppet Theatre, trong đó người ta sẽ biểu diễn những vở kịch rối ở ngoài trời. Lễ hội diễn ra tại Kisawa, quận Tokushima, ngày 3 tháng 11. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của người Nhật Bản.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...