Xin visa ở Lãnh sự Mỹ tại TP.HCM: Những bí mật bên trong

21:37 11/10/2015

Thú thật, cũng như bao nhiêu người khác, tôi cũng có chút cảm giác lo âu khi chuẩn bị phỏng vấn xin visa đi Mỹ tại Lãnh sự quán Mỹ ở TP.HCM. Dẫu cho trước đó tôi đã từng xin visa đi những nước thuộc hàng “xương xẩu” như Anh, Pháp, Thụy Điển…

Xen lẫn một chút tò mò, không biết khi vào bên trong khuôn viên lãnh sự mình sẽ được đón tiếp như thế nào, đối diện với nhân viên lãnh sự ra sao…

Từ bất ngờ…

Nhìn hàng người rồng rắn chờ xin visa dọc theo đại lộ Lê Duẩn với trang phục thẳng tắp, có bà, có cô còn diện áo dài, tóc bới hẳn hoi…, cứ như đi dự tiệc nhưng nét mặt đa phần đều căng thẳng. Tôi cũng ít nhiều ngạc nhiên, tại sao mọi người lại có một cảm giác, một tâm lý ít thấy ở lãnh sự quán các nước khác như vậy?

Xếp hàng xin visa ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM - Ảnh: Trung Hiếu

Xếp hàng xin visa ở Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM – Ảnh: Trung Hiếu

Sau khi xếp hàng làm thủ tục an ninh và gửi lại các thiết bị điện tử như laptop, điện thoại, máy ảnh… mọi người tách làm hai nhánh, một phía dành cho không di dân và một dành cho di dân.

Và điều khiến các cô, các chị lỡ mặc áo dài phải ân hận là khu vực dành cho ngồi chờ phỏng vấn chỉ là hàng hiên có mái che, không phải là những phòng đợi máy lạnh như vẫn tưởng tượng. Ghế ngồi xếp từng hàng như mọi người vẫn thấy ở sân bay, nhà ga Hòa Hưng hoặc các phòng chờ của nhà xe Phương Trang, Thành Bưởi… May mà tôi ăn mặc có phần… mát mẻ, giản đơn.

Trước khi phỏng vấn, mọi người phải lấy dấu vân tay. Hôm tôi phỏng vấn là một cô người Mỹ to cao trực tiếp hướng dẫn. Có phần hồi hộp, tôi tiến tới, chưa kịp nói gì cô ấy đã hướng dẫn rành rọt bằng tiếng Việt: “Bốn ngón tay trái. Bốn ngón tay phải. Ngón cái tay trái. Ngón cái phải. Xong. Ra kia ngồi đợi“.

Cũng có phần hụt hẫng cho sự chuẩn bị… từ vựng tiếng Anh của tôi.

Và tôi cũng bất ngờ hơn khi chẳng có phòng riêng nào để mời từng người phỏng vấn. Có 4 – 5 ô cửa và khi thấy số thứ tự của mình hiện lên trên bảng điện tử báo hiệu đến ô nào thì tiến đến ô đó và… đứng trả lời. Vậy nên, mọi người có thể nghe nhiều đoạn đối đáp thiệt là… vui.

ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN SÀI GÒN NHẬN NHIỀU ƯU ĐÃI HẤP DẪN

… đến “bí mật” phần phỏng vấn.

Một bà cụ, nhìn là biết dân miền Tây “chính hiệu”, lụm cụm lên trả lời phỏng vấn. Anh nhân viên ngoại giao hình như người Hàn Quốc nói tiếng Việt thiệt rành: “Bà cụ đi qua Mỹ làm gì đây?“. “Tui đi thăm cháu ngoại chú ơi“. “Bà có mấy đứa cháu?“. “Nhiều lắm tui nhớ hổng xuể“. “Vậy chứ bà cụ có mấy người con?“. “Bảy đứa chú ơi“. “Bà sanh nhiều hen“. “Nhiều gì chú ơi. Có bà ở xóm trên bả sanh tới 9 đứa“. “Vậy chứ qua bển có ai tới đón bà cụ không?“. “Chèn ơi, hổng đón làm sao tui biết đường đi chú?“. “Vậy là xong rồi. Chúc mừng bà cụ nghen“. “Xong là sao chú?“. Anh nhân viên lãnh sự cười và hướng dẫn bà cụ qua quầy đóng tiền chuyển phát nhanh hộ chiếu. Bà cụ đi một lúc rồi lật đật quay lại quầy và nhìn anh nhân viên nói: “Tui cám ơn chú nhiều nghen chú. “Bai” chú hen“. Cả phòng chờ cười rần khiến cho không khí đỡ căng thẳng.

Tới phiên tôi thì cũng trả lời mấy câu đại loại: Ai mời qua đó? Qua đó làm gì? Ở bển có người thân không? Có gia đình chưa? Định ở “bển” bao lâu? Cũng cần hiểu khái niệm người thân ở đây là bà con ruột thịt chứ không phải khái niệm người thân bao gồm cả bạn bè thân thiết như tiếng Việt phong phú của mình định nghĩa vậy.

Một viên chức lãnh sự Mỹ trao đổi về thủ tục xin visa du học - Ảnh: Trung tâm Giáo dục Mỹ cung cấp

Một viên chức lãnh sự Mỹ trao đổi về thủ tục xin visa du học – Ảnh: Trung tâm Giáo dục Mỹ cung cấp

Và cũng có người khi được hỏi ở bao lâu thì cứ nghĩ là phải cố xin visa một năm nên nói là muốn ở càng lâu càng tốt. Rớt là cái chắc. Đơn giản chỉ là trả lời đúng thời gian chuyến đi đã lên kế hoạch của mình. Ngay cả khi nhân viên lãnh sự hỏi tiếp sau khi nghe tôi trả lời rằng chỉ đi đúng thời gian đã book vé máy bay trước rằng: “Cô có muốn đi Mỹ sau này không?“. Tôi cười đáp: “Tôi sẽ đi qua đó du lịch nếu thu xếp được thời gian“. Vậy là xong phiên phỏng vấn.

Sau này đến con trai của tôi phỏng vấn lại càng giản đơn hơn. Chỉ vỏn vẹn 4 câu. “Qua đó làm gì?“. “Tôi đi du lịch với mẹ“. “Mẹ có visa chưa?“. “Có rồi. Visa đây ông“. “Bên đó có người thân không?“. “Người thân thì không. Bạn bè thì nhiều“. “Sau này có muốn qua Mỹ học không?“. “Năm sau tôi sẽ qua vì tôi sẽ học chuyển tiếp“. Vậy là xong.

Từ Việt Nam đi Mỹ, tùy theo hãng hàng không mà địa điểm quá cảnh có thể là Hồng Kông, Nhật, Đài Loan hay Hàn Quốc. Thời gian quá cảnh cũng tùy thuộc, nhưng thường tương đối dài. Nếu bạn muốn tranh thủ để đi thăm thú những thành phố nổi tiếng này, iVIVU.com sẽ giúp bạn tìm một khách sạn giá tốt.

Khách sạn Hồng Kông

Khách sạn Tokyo Nhật Bản

Khách sạn Đài Loan

Khách sạn Hàn Quốc

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: Thanh niên

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (7 lượt, 2,14 điểm trên 5)
Loading...