Cuộc đời thú vị của cô gái H’mông đầu tiên có Facebook

15:28 09/06/2015

Chai Pi ngồi lặng lẽ tại khu nghỉ dưỡng cao cấp Victoria Sapa Resort & Spa ở Sapa. Cô mặc trang phục truyền thống của người H’mông, vải xanh đen pha lẫn những đường thêu họa tiết sặc sỡ. Chai Pi đứng tách khỏi đám du khách du lịch.

Cô sinh ra và lớn lên ở Sapa – một thị trấn du lịch nằm trên vùng đất cao nguyên miền Bắc Việt Nam, nơi cư ngụ của một số dân tộc thiểu số. Đây là nơi du khách háo hức muốn chạy trốn Hà Nội để tìm đến bầu không khí trong lành hoặc thích leo núi.

Người H’mông đen

Chai Pi là người dân tộc H’mông đen – một trong những nhóm nhỏ của dân tộc H’mông. Người H’mông đen sống ở vùng núi Trung Quốc, Lào, Thái Lan và Việt Nam.

nguoi-h'mong-dau-tien-co-facebook
Ban đầu, Chai Pi trông có vẻ ủ rũ ngồi tại sảnh khách sạn. Thế nhưng trên đường dẫn du khách vào làng, cô bé gây ấn tượng bởi tiếng Anh lưu loát và nụ cười rạng rỡ, đặc biệt Chai Pi rất hay cười. Cô gái 19 tuổi là hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời, cô kể nhiều về cuộc sống của người dân tộc ở Sapa.

“Từ bảy, tám năm nay, hầu hết mọi người đều chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch. Điều đó minh chứng cho việc Sapa đã thay đổi như thế nào trong một thập kỷ qua. Tôi mong mình cũng có thể đi làm để kiếm ít tiền giúp đỡ gia đình”.

Chai Pi quyết định không làm việc trên cánh đồng của gia đình mà chuyển sang làm hướng dẫn viên du lịch từ năm 2006. Cô nói: “Tôi rất thích công việc này. Tôi được gặp gỡ nhiều người và học ngoại ngữ. Tôi biết một chút tiếng Pháp, Tây Ban Nha và Nhật Bản. Nhưng tôi thành thạo tiếng Anh nhất”.

Trình độ tiếng Anh của cô gái H’mông đen này tốt đến ngạc nhiên đối với những ai chưa bao giờ được học bài bản như cô. Ngôn ngữ giao tiếp đời thường của Chai Pi rất tự nhiên. Cô cười, đùa, giải thích, tất cả vốn tiếng Anh của cô đều học được khi trò chuyện cùng khách du lịch.

Cuộc sống ở bản làng

Ở làng Lao Chải, hệ thống giáo dục còn khá lạc hậu. Tiếng Anh không được giảng dạy ở tiểu học. Nhưng ngay cả việc theo học đến cấp hai đối với người dân tộc thiểu số ở Sapa cũng rất ít. “Đối với những người dân tộc, nhiều cô gái không thể đến trường.

Chỉ có con trai mới được đi học. Con gái sẽ ở nhà lo việc đồng áng, may quần áo, nấu ăn, chăm lo gia đình và rất nhiều việc khác”, cô nói.

Trên đường vào bản, chúng tôi vượt qua một căn nhà làm từ ván gỗ và nền nhà bằng đất. Bên ngoài nhà nuôi hai con lợn, ba con vịt và hai con chó. Nhìn qua thì căn nhà cũng chẳng cần chăm lo quá nhiều, nhưng các cô gái người dân tộc luôn bận rộn việc nhà. Chai Pi kể: “Con gái làm việc đồng áng, con trai được thừa kế đất. Khi con trai kết hôn, cha mẹ sẽ chia đất cho họ”.

Câu chuyện thú vị của Chai Pi giống như nhạc nền của một bộ phim dẫn dắt chúng tôi băng qua những cánh đồng lúa, vượt suối qua cầu và đi qua bản nhỏ. Sau hai, ba ngày đi bộ khám phá, khách du lịch nghỉ ngơi tại nhà dân ở dưới chân núi. Chúng tôi cứ đi tiếp cho tới đường lớn.

Sau đó Chai Pi mặc cả giá để thuê hai chiếc xe máy trở chúng tôi quay lại bản. Hình ảnh cô gái mặc trang phục dân tộc truyền thống ngồi sau xe ôm mặc quần Jean và áo phông gây ấn tượng với tôi. Nhưng sự tương phản lớn nhất là khi chúng tôi dừng lại ở một quán cà phê Internet ở Sa Pa.

Người H’mông đầu tiên có Facebook

Chai Pi truy cập ngay vào trang Facebook của mình, cô cười vui vẻ khi mở hòm thư và kiểm tra thông tin về bạn bè.

“Tôi bắt đầu sử dụng Facebook từ năm 2007. Tôi là người H’mông đen đầu tiên ở Sa Pa có Facebook”, cô nói đầy tự hào”. “Tôi thích Facebook vì tôi có thể nhìn thấy hình ảnh của bạn bè và nói chuyện với họ”.

Công việc của Chai Pi khiến cô ít có thời gian để gặp bạn bè thường xuyên. Mặc dù phải mất một thời gian để những người bạn còn lại của cô biết cách dùng Facebook nhưng với việc các quán cà phê Internet đầy rẫy ở khu vực khách du lịch, Facebook đã trở thành cách để họ dễ dàng giữ liên lạc.

Tôi tò mò nhìn qua vai cô gái H’mông. Trên trang Facebook của cô hiện ra vài đường link YouTube, tin nhắn viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh của những khách du lịch trước đây. Đây chỉ là một trong cách cô kết nối với thế giới bên ngoài, ngoài Facebook, cô thích xem phim.

“Ở nhà một mình” là một bộ phim rất buồn cười. Cậu bé nhân vật chính thật dễ thương. Gia đình nhỏ sống trong ngôi nhà lớn chắc rất vất vả trong việc dọn dẹp. Gia đình lớn sống trong ngôi nhà nhỏ, đấy mới là gia đình tôi”, cô mỉm cười.

Giữ liên lạc với khách du lịch là cách cô giữ giấc mơ được đi du lịch nước ngoài, tôi chắc rằng Chai Pi sẽ thực hiện được ước mơ của mình.

Đôi khi Chai Pi có những khoảnh khắc truyền thống như bộ trang phục của cô đang mặc: “Tôi đã đến Hà Nội vài lần, nhưng có nhiều xe và ô nhiễm quá. Có lẽ trong tương lai tôi sẽ sống trong một ngôi nhà đá, hoặc trở về bản làm công việc đồng áng rồi đẻ nhiều con”.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – (Theo CNNGO/Lao động)

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...