Du lịch Việt Nam qua 9 nhà thờ độc đáo nhất

15:45 02/10/2015

Du lịch Việt Nam qua những nhà thờ độc đáo nhất? Một ý tưởng không tệ chút nào với những người đam mê khám phá và dịch chuyển. Hãy cùng điểm qua 9 nhà thờ độc đáo nhất từ Nam ra Bắc nhé!

1. Nhà thờ Cha Diệp – Bạc Liêu

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-1

Ảnh: tinnongdulich

Nhà Thờ Cha Diệp (hay còn gọi là nhà thờ Tắc Sậy) thuộc Giáo phận Cần Thơ, và nằm trên địa bàn của xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu – nơi gắn liền với một nhân vật nổi tiếng – cha Trương Bửu Diệp, vị linh mục nổi tiếng vì sự linh thiêng, thi ân giáng phúc cho những ai tin tưởng nguyện cầu.

Nơi đây không chỉ là điểm hành hương của người miền Tây mà còn của dân công giáo ở nhiều vùng miền khác. Nhà thờ hiện còn là Trung tâm Truyền giáo Phanxicô của giáo phận. Theo truyền miệng của người dân kể lại, sở dĩ nhà thờ Cha Diệp trở nên nổi tiếng là do sự linh thiêng của Cha Diệp đem lại “ai đến khấn điều gì cũng đều được”.

2. Nhà thờ Đức Bà – Sài Gòn

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-2

Ảnh: Jorge Láscar

Nhà thờ Đức Bà là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà thờ công giáo có quy mô lớn và kiến trúc đặc sắc, một trong những công trình kiến trúc thu hút nhiều khách tham quan nhất tại thành phố này. Phần lớn toàn bộ vật liệu để xây dựng nhà thờ từ xi măng, sắt thép đến ốc vít đều mang trực tiếp từ Pháp sang. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn – Gia Định lúc ấy và bây giờ.

3. Nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu – Vũng Tàu

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-3

Ảnh: chungmotmaitruong

 

Tọa lạc tại Bãi Dâu thuộc thành phố Vũng Tàu, nhà thờ Đức Mẹ Bãi Dâu được xây dựng năm 1994. Nếu so sánh các nhà thờ xây dựng sau năm 1975, đây là một trong những nhà thờ đẹp, cái đẹp phù hợp của một ngôi thánh đường nho nhỏ tại một thành phố du lịch. Mặt tiền nhà thờ được thiết kế lấy hình dáng của cánh buồm, vị trí nhà thờ lưng tựa núi, mặt nhìn ra biển, theo dân gian đây là một vị trí xây dựng tốt nhất theo thuật phong thủy. Nhìn từ xa màu xanh của núi làm nổi bật lên màu trắng của cánh buồm dường như đang phất phới trong gió biển.

4. Nhà thờ Con Gà – Đà Lạt

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-4

Ảnh: nguyentran

Nhà thờ Con Gà là một trong những công trình kiến trúc tiêu biểu và cổ xưa nhất của Đà Lạt. Đây là nhà thờ lớn nhất ở thành phố Đà Lạt, được gọi là nhà thờ Chính tòa, hay ngoài ra còn cái tên dân gian là nhà thờ Con Gà vì trên đỉnh tháp chuông có tượng một con gà lớn. Nhà thờ được xây dựng từ năm 1931 đến 1942, có chiều dài 65m, chiều rộng 14m và cao 47m. Với độ cao đó, tháp chuông của nhà thờ có thể được nhìn thấy từ nhiều nơi trong thành phố.

5. Nhà thờ Nha Trang

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-5

Ảnh: hdvietnam

Ngoài tên gọi chính thức là nhà thờ chánh tòa Kitô Vua, nhà thờ này còn có một số tên gọi khác như nhà thờ Nha Trang, nhà thờ Đá, nhà thờ Ngã Sáu, nhà thờ Núi… Công trình có bố cục chắc chắn với những khối đá lập thể nhỏ vươn dần từ thấp lên trời xanh. Đã gần 70 năm, trải qua bao mưa nắng nhưng với lối cấu trúc độc đáo, nhà thờ Núi vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị kiến trúc từ xa xưa. Hiện nay nhà thờ được đưa vào danh sách di tích và thắng cảnh của tỉnh Khánh Hòa.

6. Nhà thờ gỗ Kon Tum – Gia Lai

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-6

Ảnh: dulichtaynguyen

Nhà thờ được làm hoàn toàn bằng gỗ cà chít. Nhà thờ gỗ Kon Tum là một kiệt tác bởi được thiết kế theo kiến trúc Roman, phối hợp hài hoà kiểu nhà sàn của người Ba Na nên đậm sắc thái văn hóa, tín ngưỡng người dân cao nguyên từ những đường nét họa tiết đến những điểm nhấn trên chất liệu. Nhà thờ là một công trình khép kín gồm: giáo đường, nhà tiếp khách, nhà trưng bày các sản phẩm dân tộc và tôn giáo, nhà rông. Ngoài ra, trong khuôn viên nhà thờ còn có cô nhi viện, cơ sở may, dệt thổ cẩm và cơ sở mộc.

7. Nhà thờ đá Phát Diệm – Ninh Bình

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-7

Ảnh: Kien1980v

 

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm là một quần thể nhà thờ công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới.

Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam. Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía Bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ mặc dù là nhà thờ công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam.

8. Nhà thờ lớn Hà Nội

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-8

Ảnh: Wikimedia Commons

Nhà thờ Lớn Hà Nội (tên chính thức là Nhà thờ chính tòa Thánh Giuse) là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội, nơi có ngai tòa của tổng Giám mục.Nhà thờ này cũng là nơi thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc tổng giáo phận Hà Nội.

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

9. Nhà thờ đá – Sapa

du-lich-viet-nam-qua-9-nha-tho-doc-dao-nhat-ivivu-9

Ảnh: VnExpress

Nhà thờ Đá Sa Pa được xây dựng từ năm 1895 là dấu ấn kiến trúc cổ toàn vẹn nhất của người Pháp còn sót lại tại Sa Pa, Lào Cai. Nhà thờ Sa Pa tọa lạc trên một vị trí đắc địa với phía sau là núi Hàm Rồng che chắn, phía trước là khu đất rộng, bằng phẳng, nơi diễn ra những lễ hội đầy màu sắc của phố núi. Nhà thờ ở vị trí trung tâm của thị trấn Sa Pa, đứng ở bốn phía đều có thể quan sát được di tích.

Cùng với hai công trình kiến trúc khác cũng do người Pháp xây dựng là biệt thự Chủ Cầu (nay là khách sạn Hoàng Liên) và khu huyện ủy cũ (nay là trụ sở của Trung tâm Thông tin Du lịch Lào Cai) tạo thành một hình tam giác cân đối với kiến trúc riêng biệt mang phong cách Pháp. Hình dạng và kiến trúc của nhà thờ được xây theo hình thập giá theo kiến trúc Gothic La Mã. Kiến trúc đó thể hiện ở mái nhà, tháp chuông, vòm cuốn… đều là hình chóp tạo cho công trình nét bay bổng thanh thoát.

Theo Traveltimes.vn

Nhanh tay đặt phòng khách sạn tại iVIVU.com để vi vu du lịch hè

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 3,00 điểm trên 5)
Loading...