Đừng quên những quy tắc này khi du lịch Nhật Bản

10:15 15/01/2019

Xứ sở mặt trời mọc luôn nổi tiếng với những con người thân thiện nhưng đầy tính kỷ luật, lối sống tối giản và trên hết là truyền thống văn hóa lâu đời.

Đừng quên những quy tắc này khi du lịch Nhật Bản

Tôn trọng tài sản công cộng

Việc viết, vẽ bậy hoặc phá hoại các tài sản công cộng bị xem là hành vi kém văn hóa - Ảnh: PlanetWare

Việc viết, vẽ bậy hoặc phá hoại các tài sản công cộng bị xem là hành vi kém văn hóa – Ảnh: PlanetWare

Người Nhật Bản có tính kỷ luật và ý thức rất cao. Việc viết, vẽ bậy hoặc phá hoại các tài sản công cộng, đặc biệt là các địa điểm du lịch, di tích lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của Nhật Bản bị xem là hành vi kém văn hóa, và bị xử phạt rất nặng nếu bị phát hiện.

Cúi chào

Tại Nhật Bản, việc cúi đầu khi bạn gặp ai đó, cảm hơn hoặc tạm biệt được xem là phép lịch sự - Ảnh: vix.com

Tại Nhật Bản, việc cúi đầu khi bạn gặp ai đó, cảm hơn hoặc tạm biệt được xem là phép lịch sự – Ảnh: vix.com

Tại Nhật Bản, việc cúi đầu khi bạn gặp ai đó, cảm hơn hoặc tạm biệt được xem là phép lịch sự. Nếu có người cúi đầu chào bạn, bạn cũng nên cúi người chào lại. Có rất nhiều quy tắc phức tạp liên quan đến nghi thức cúi đầu chào, ví dụ như hai người phải đứng cách nhau bao xa, cúi đầu bao lâu, cúi bao nhiêu lần…

Tuy nhiên, nếu bạn là khách du lịch Nhật Bản, người Nhật không đòi hỏi bạn phải biết quá nhiều chi tiết. Bạn chỉ cần học cách cúi đầu căn bản để thể hiện phép lịch sự là được.

Quà tặng và danh thiếp

Trao đổi danh thiếp là nghi thức cần thiết - Ảnh: Japanforyou.com

Trao đổi danh thiếp là nghi thức cần thiết – Ảnh: Japanforyou.com

Trong các sự kiện trang trọng hoặc những cuộc gặp gỡ trong kinh doanh, trao đổi danh thiếp là nghi thức cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang một món quà lưu niệm nhỏ từ quê hương để tặng cho các đối tác.

Tặng quà là biểu hiện cho sự trân trọng, đặc biệt khi bạn ở nhờ nhà người khác. Hãy chọn món quà nhỏ và đặc biệt, gợi nhớ đến đất nước của bạn. Luôn dùng hai tay khi trao quà hoặc trao đổi danh thiếp.

Đừng quên cởi giày

Bạn nên cởi bỏ giày trước khi bước vào nhà - Ảnh: Begin English

Bạn nên cởi bỏ giày trước khi bước vào nhà – Ảnh: Begin English

Khi ghé thăm nhà ai đó hoặc đến đền chùa, thậm chí là đến các nhà hàng hay điểm du lịch, bạn nên cởi bỏ giày trước khi bước vào. Bạn sẽ trông thấy rất nhiều kệ đặt trước cửa để du khách cất giày.

Khi vào trong, bạn sẽ được phát một đôi dép. Tại các nhà hàng hoặc nhà ở có khu vực để chiếu tatami (loại chiếu trải trên sàn nhà), bạn nên bỏ dép ngoài cửa trước khi bước lên chiếu. Vì vậy, khi đến du lịch Nhật Bản, bạn nên mang các loại giày đơn giản, dễ tháo và đừng quên giữ vớ luôn sạch sẽ.

Quy tắc ăn uống trên bàn

Hãy nói những từ ngữ thể hiện sự trân trọng trước, trong và sau bữa ăn - Ảnh: www.hotelokura.co.jp

Hãy nói những từ ngữ thể hiện sự trân trọng trước, trong và sau bữa ăn – Ảnh: www.hotelokura.co.jp

Theo phép lịch sự trên bàn ăn tại Nhật Bản, bạn nên nói những từ ngữ thể hiện sự trân trọng trước, trong và sau bữa ăn. Trước khi ăn, đừng quên nói i-ta-da-ki-mas, nghĩa là “chúc ngon miệng”. Trong khi ăn, hãy cho mọi người biết bạn thấy món ăn ngon bằng cách nói oi-shii. Đừng quên nói go-chi-so-sa-ma de-shi-ta vào cuối bữa ăn để bày tỏ sự trân trọng của bạn.

Tuy Nhật Bản là một quốc gia rất xem trọng lễ nghi nhưng trong bữa ăn ở Nhật, thực khách có thể gây ra tiếng động khi ăn các món súp hay mì. Điều này được xem là hoàn toàn bình thường nên bạn cũng đừng ngạc nhiên.

Không đùa giỡn với đũa

Dùng đũa gắp đồ ăn để chuyền vào đũa của người khác là một nghi thức trong tang lễ - Ảnh: Just One Cookbook

Dùng đũa gắp đồ ăn để chuyền vào đũa của người khác là một nghi thức trong tang lễ – Ảnh: Just One Cookbook

Ngay cả khi bạn đến từ một quốc gia quen sử dụng đũa trong bữa ăn, bạn vẫn có thể mắc một số lỗi về giao tiếp trên bàn ăn tại Nhật Bản. Đối với người Nhật, một số hành động như dùng đũa để gãi ngứa, chỉ vào một ai đó, ra hiệu cho nhân viên phục vụ, gõ lên bàn hoặc xiên vào đồ ăn đều bị xem là không thể chấp nhận.

Ngoài ra, đừng bắt chéo đũa, cắm đũa đứng trên tô cơm, hoặc dùng đũa gắp đồ ăn để chuyền vào đũa của người khác vì trong văn hóa Nhật, đây là một nghi thức trong tang lễ.

Nếu bạn muốn dùng đũa để lấy thức ăn từ một dĩa chung, hãy sử dụng đầu còn lại của chiếc đũa thay vì dùng đầu bạn đã dùng để ăn.

Không cần đưa tiền boa

Đưa tiền boa không phải là việc bắt buộc ở Nhật - Ảnh: HuffPost

Đưa tiền boa không phải là việc bắt buộc ở Nhật – Ảnh: HuffPost

Đưa tiền boa không phải là việc bắt buộc ở Nhật. Nếu bạn để lại tiền mặt trên bàn, người phục vụ có thể không hiểu ý và đuổi theo bạn để đưa lại tiền vì nghĩ bạn “bỏ quên”. Tiền cũng hiếm khi được chuyền từ tay người này sang tay người khác. Thay vào đó, khi trả tiền và khi nhận tiền thối, người bán hàng đều sẽ đặt tiền lên một chiếc khay.

Nghi thức tại đền thờ

Đền thờ đạo Phật và Thần đạo (Shinto) tại Nhật Bản thường thu hút rất nhiều du khách - Ảnh: AllAbout-Japan.com

Đền thờ đạo Phật và Thần đạo (Shinto) tại Nhật Bản thường thu hút rất nhiều du khách – Ảnh: AllAbout-Japan.com

Đền thờ đạo Phật và Thần đạo (Shinto) tại Nhật Bản thường thu hút rất nhiều du khách. Hãy luôn nhớ rằng người Nhật rất kính cẩn khi nhắc đến tôn giáo và đây là những nơi linh thiêng để cầu nguyện trong văn hóa của đất nước này. Đừng cố bước vào các khu vực giới hạn, trò chuyện nhỏ tiếng và ăn mặc trang phục phù hợp.

Hầu hết các đền thờ đều yêu cầu du khách thực hiện khi lễ gột rửa trước khi vào bên trong. Hãy dùng một chiếc gàu múc nước rửa tay, lấy một ít nước súc miệng và nhổ xuống đất. Tuyệt đối đừng nhổ ngược vào nơi chứa nước.

Sử dụng điện thoại di động

Nếu phải dùng điện thoại để nhắn tin, hãy bật chế độ im lặng - Ảnh: Yahoo Finance

Nếu phải dùng điện thoại để nhắn tin, hãy bật chế độ im lặng – Ảnh: Yahoo Finance

Trò chuyện ồn ào qua điện thoại di động khi sử dụng phương tiện công cộng như tàu lửa hoặc xe buýt bị xem là bất lịch sự. Nếu phải dùng điện thoại để nhắn tin, hãy bật chế độ im lặng hoặc trả lời các cuộc gọi với âm lượng nhỏ.

Xếp hàng

Tại các trạm tàu lửa, xe buýt hay sân bay, bạn phải xếp hàng ngay ngắn - Ảnh: Business Insider

Tại các trạm tàu lửa, xe buýt hay sân bay, bạn phải xếp hàng ngay ngắn – Ảnh: Business Insider

Tại các trạm tàu lửa, xe buýt hay sân bay, bạn phải xếp hàng ngay ngắn. Đừng chen lấn, xô đẩy và hãy chú ý đến các mũi tên chỉ hướng được sơn dưới nền đất. Khi đi trên thang cuốn, bạn nên đứng nép vào bên phải, chừa đường bên trái cho những người đang vội có thể đi nhanh.

Đeo khẩu trang khi bị bệnh

Nếu đang bệnh, hãy luôn đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác - Ảnh: NextShark

Nếu đang bệnh, hãy luôn đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác – Ảnh: NextShark

Tránh ngoáy mũi, sụt sịt hoặc hắt hơi ở nơi công cộng. Nếu đang bệnh, hãy luôn đeo khẩu trang để tránh lây nhiễm cho người khác.

Không vừa đi vừa ăn

Không nên vừa đi vừa ăn tại Nhật Bản - Ảnh: Narratively

Không nên vừa đi vừa ăn tại Nhật Bản – Ảnh: Narratively

Nhìn chung, việc vừa đi vừa ăn có vẻ không thành vấn đề, đặc biệt là tại một quốc gia bận rộn như Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu để ý, bạn sẽ thấy người Nhật mua thức ăn và cho vào túi để ăn sau chứ không vừa đi vừa ăn. Họ cũng uống nước ngay khi vừa mua xong tại các máy bán hàng rồi mới bước đi. Trên các phương tiện công cộng, bạn không được phép ăn uống.

Theo Bình Minh/Tuổi trẻ

Gọi ngay 1900 1870 (Miền Nam), 1900 2045 (Miền Bắc) hoặc 1900 2087 (Miền Tây) để được tư vấn khách sạn Nhật Bản với giá ưu đãi cực tốt

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...