Đảo Cồn Sơn nằm giữa sông Hậu là điểm du lịch sinh thái hút khách những năm gần đây bởi khung cảnh miền Tây đặc trưng và cách làm mới lạ. Hòn đảo rộng 74 ha là nơi sinh sống của khoảng 60 hộ dân. Trong đó có 20 hộ cùng nhau làm du lịch cộng đồng, mỗi hộ tạo ra một sản phẩm riêng biệt, lợi nhuận chia đều.
Trải nghiệm đầu tiên du khách nên thử khi đến Cồn Sơn là ghé bè cá Bảy Bon gần lối vào đảo. Du khách trong ảnh đang thử “massage” chân tại bè nuôi cá koi.
Ngoài cá koi, dân trên đảo cũng nuôi nhiều lại cá khác như mê rỗ, trê hồng…
Khách cũng khó có thể bỏ qua trải nghiệm xem các chú cá lóc bay. Loài cá này sẽ nhảy lên khỏi mặt nước để giành thức ăn khi chủ vườn gọi. Cá được nhốt riêng theo độ tuổi trong ao. Theo chủ vườn, chỉ những con cá dưới 5, 6 tháng tuổi mới nhảy. Cá lớn hơn sẽ được thả ra sông để đảm bảo nguồn lợi thuỷ sản. “Đàn cá đã mang lại thu nhập nên sau này cá lớn mình không ăn nó nữa”, một chủ vườn chia sẻ. Phí tham quan đàn cá biểu diễn là 25.000 đồng một người.
Trên con đường nhỏ dẫn lối quanh đảo, nhiều loại cây ăn trái như dừa, mít, cam… phủ bóng hai bên.
Du khách có thể tham quan nhà vườn miễn phí. Nếu khách muốn hái trái ăn tại vườn hoặc mua mang về thì sẽ trả tiền tùy theo loại trái cây như măng cụt, chôm chôm, sầu riêng…
Trải nghiệm tiếp theo là làm và thưởng thức bánh dân gian Nam Bộ. Một mâm bánh tại đây có giá 210.000 đồng, gồm hai loại bánh ngọt và mặn.
“Tôi thấy mọi thứ thật tự nhiên, từ con người, khung cảnh đến mùi hương cây cối. Đây mới là đặc trưng của Việt Nam”, Begonia Remon, du khách Tây Ban Nha chia sẻ sau khi tham quan đảo và làm bánh cùng người dân.
Ao súng vua trong homestay của chị Phan Thị Kim Phước cũng là điểm được yêu thích. Theo chủ nhà, khi khách đặt ăn, trên mâm có bao nhiêu món thì sẽ có từng đó hộ tham gia làm. “Chúng tôi coi khách như bà con ở nơi xa về, thăm từng nhà người dân Cồn Sơn”. Cách duy nhất để tới đảo Cồn Sơn là thuê phà hoặc thuyền ở bến Cô Bắc (hẻm 13 đường Lê Hồng Phong) với giá 5.000 đồng một lượt, phà hoạt động từ 6h đến 22h.