Khám phá làng nón ngựa Phú Gia hơn 300 năm tuổi

16:15 10/07/2024

Làng nón ngựa Phú Gia đã trở thành niềm tự hào của người dân Bình Định. Những chiếc nón đẹp, sắc sảo mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống và ý nghĩa lịch sử của miền đất võ.

Giới thiệu chung về làng nón ngựa

Làng nón ngựa Phú Gia thuộc làng Phú Gia, xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Có tuổi đời hơn 300 năm. Theo lời kể của những bậc cao niên, những chiếc nón được làm nên bởi đôi bàn tay tài hoa của người thợ làng nghề nơi đây từng gắn bó với nghĩa quân Tây Sơn thần tốc tiến quân ra Bắc.

nón ngựa Phú Gia

Sản phẩm nón ngựa

Sở dĩ được gọi là nón ngựa do tính chất dẻo dai, bền bỉ như loài ngựa. Ngày xưa, nón chỉ thấy khi quan binh đội khi cưỡi ngựa hoặc ở những người có địa vị cao trong xã hội. Đặc biệt khi nhìn vào nón của người đội thì sẽ phân biệt được thứ bậc quan, quân. Với những chiếc nón được vua quan đội, sẽ được thiết kế hoa văn tinh xảo, trên chóp được chụp bằng đồng hoặc bạc. Và chạm trổ hình rồng, phượng.

Không giống nón lá thông thường, nón ngựa Phú Gia được kết cấu rất đặc biệt. Vô cùng bền chắc, không mối mọt, có tuổi thọ đến hàng chục năm.

nón ngựa Phú Gia

Nón được thêu nhiều họa tiết đẹp mắt

Thuở xưa, với những người dân Bình Định, nón ngựa được dùng làm tín vật giữa nhà trai và gái. Trong ngày cưới, bắt buộc phải có được cặp nón ngựa. Sau ngày thành thân, cặp nón đó ý nghĩa che nắng, che mưa suốt một đời kết duyên phu thê. Và ngày nay, du khách có dịp đến làng nghề thường mua nón ngựa về làm lưu niệm, trưng bày trong nhà như kỉ vật.

nón ngựa Phú Gia

Một nghệ nhân nổi tiếng ở làng nghề nón ngựa

Quy trình làm nên chiếc nón ngựa

Hiện nay, ở làng Phú Gia có khoảng hơn 100 hộ theo nghề làm nón ngựa. Ngoài Phú Gia, những thôn lân cận như Kiều Đông, Xuân Quang cũng làm, tuy nhiên chủ yếu vẫn là ở Phú Gia. Một chiếc nón ngựa thường phải qua bốn công đoạn là tạo sườn mê, thắt nang sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá chằm chỉ.

nón ngựa Phú Gia

Chiếc nón được làm thủ công qua nhiều công đoạn công phu

Để làm nên những chiếc nón ngựa Phú Gia, người làm phải vào rừng tìm cây giang, lá kè (lá cọ), rễ dứa rừng, chuẩn bị các dụng cụ cước, chỉ màu, vải the… Người làm phải phơi từng lá kè. Ngồi lấy một tấm sắt đặt lên bếp lửa rồi cầm miếng vải ép xuống và vuốt thẳng từng sợi lá kè. Nón phải được kết bằng những vành từ cây giang, cây tre cật, cây lồ ô, chuốt nhỏ như tăm, đan thành 3 lớp mê sườn và vành nón. Điểm đặc trưng của nón ngựa là được khâu bằng những mũi chỉ tàu trắng, đều đặn. Mê sườn được thêu hoa văn bởi những sợi chỉ ngũ sắc.

Người dân địa phương đan nón ngựa

Vào ngày 9/4/2024, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa nghề chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát) vào danh mục Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia. Hiện nay, ngoài những chiếc nón ngựa truyền thống, các nghệ nhân làng nghề còn chế tác ra nhiều loại nón cách tân, được nhiều du khách trong và ngoài nước chọn mua khi có dịp ghé thăm miền đất võ Bình Định.

Các sản phẩm nón ngựa có giá từ 300.000 – 3.000.000 đồng/cái.

Theo iVIVU.com

Click đặt ngay khách sạn Quy Nhơn giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (3 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...