Chùa Cổ Lễ không những sở hữu kiến trúc độc đáo mà còn lưu giữ “báu vật” nặng đến 9 tấn, nằm giữa hồ nước, thu hút nhiều du khách đến chiêm bái.
Tổng quan về chùa Cổ Lễ
Chùa Cổ Lễ tọa lạc tại thị trấn Cổ Lễ (huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định). Ngôi chùa vừa là một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, vừa là di tích lịch sử – văn hóa đặc biệt cấp quốc gia của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Không gian tại chùa hiện lên yên bình, trầm mặc giữa những khu nhà ở cao tầng, hiện đại. Những bức tường rêu phong bạc màu đã chứng kiến biết bao nhiêu thay đổi của thời đại nhưng vẫn lưu giữ trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa đặc sắc.
Chùa Cổ Lễ có hiệu là Thần Quang Tự. Một công trình văn hóa kiến trúc Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ XII, dưới thời vua Lý Thần Tông để thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không. Ngôi chùa trước đây có kiến trúc bằng gỗ. Trải qua nhiều năm tháng, ngôi chùa cổ xưa bị xuống cấp nghiêm trọng. Đến năm 1902, Đệ Nhất Sư Tổ Phạm Quang Tuyên về trụ trì chùa và đã cho trùng tu tái thiết lại ngôi chùa theo kiến trúc mới “Nhất Thốc Lâu Đài”.
Kiến trúc độc đáo của ngôi chùa
Tổng thể cảnh quan của chùa nhìn từ trên xuống sẽ tạo thành chữ Thiện (lành) trong chữ Nho. Không gian hài hòa được kết hợp với nhau bởi những dãy nhà, hồ nước, cây cầu. Từ cổng chùa đi vào là cây tháp Cửu Phẩm Liên Hoa cao 32m. Tiếp đến là tòa Phật Giáo Hội Quán Quan Âm Đài với hai bên là Phủ – Đền. Nối liền sau đó là Cầu Núi và hai dãy hành lang dài theo chùa. Phía cuối là tòa Chính Cung cao 29m thờ Phật và Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không bằng gỗ bạch đàn.
Đặc biệt, kiến trúc của chùa còn là sự kết hợp độc đáo giữa văn hoá Đông – Tây. Những hoa văn, họa tiết, phù điêu của Việt Nam trên nền mái vòm được khéo léo dung hòa theo kiến trúc Gothic kiểu lâu đài của phương Tây. Tạo nên tổng thể độc đáo.
Điểm nhấn ấn tượng và có giá trị
Chùa Cổ Lễ lưu giữ báu vật giá trị là quả chuông cổ lớn nhất Việt Nam. Có tên gọi là Đại Hồng Chung, được đúc vào năm 1936. Cao 4m20, đường kính 2m03 và nặng 9 tấn đặt giữa hồ nước trước tòa Chính Cung. Quá trình đúc chuông thời xưa hoàn toàn bằng thủ công, nên đòi hỏi rất nhiều công sức và sự tỉ mỉ, cẩn thận khi thực hiện. Thời điểm bấy giờ, để đề phòng sự phá hoại của giặc, nhân dân trong vùng đã đem dìm quả chuông xuống hồ. Đến năm 1954, chuông mới được trục vớt và được đặt trên bệ đá cho du khách tham quan từ đó đến nay.
Miệng chuông có họa tiết hình cành sen, thân có họa tiết hoa lá, sông nước và một số văn tự bằng chữ Nho. Đặc biệt, quả chuông chưa được đánh một lần nào. Nhưng khi đánh lên, cả tỉnh và một vài vùng lân cận sẽ nghe được tiếng chuông ngân. Chùa được Bộ Văn hóa xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988. Lễ hội chùa Cổ Lễ diễn ra từ ngày 13 đến 16/9 âm lịch hằng năm. Nhằm kỷ niệm ngày sinh và suy tôn Đức Thánh Tổ Nguyễn Minh Không.
Theo iVIVU.com
Xem thêm bài viết:
Kỳ đài Thành Nam – Biểu tượng lâu đời của tỉnh Nam Định
Nhà thờ đổ Nam Định – Vẻ đẹp dù hoang tàn nhưng vẫn cuốn hút
Bảo tàng Đồng Quê Nam Định – Nơi lưu giữ hồn quê Bắc Bộ đầu tiên ở Việt Nam
Click đặt ngay khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com!
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com