Vì sao chất lỏng bị cấm nhưng mua ở quầy miễn thuế lại được mang lên máy bay?

09:53 19/10/2018

Toàn bộ hàng hoá ở khu vực này đều đã được kiểm tra kỹ lưỡng, bảo đảm không chứa chất có thể làm thành bom mìn.

Xem thêm: Mẹo du lịch

Vì sao chất lỏng bị cấm nhưng mua ở quầy miễn thuế lại được mang lên máy bay?

Chất lỏng nằm trong danh mục cấm mang lên máy bay của các hãng hàng không, với lý do đảm bảo an ninh hàng không. Bất cứ ai thường xuyên di chuyển bằng máy bay cũng thuộc nằm lòng điều này. Tuy nhiên, có bao giờ bạn thắc mắc rằng, bạn có thể mang nước uống hay những chai nước hoa mua trong khu vực hàng miễn thuế lên máy bay nhưng vẫn những mặt hàng đó (chung nguồn gốc xuất xứ, chung nhãn hiệu) mang từ bên ngoài cửa an ninh thì lại bị cấm hay không? Đây là thắc mắc chung của khá nhiều người nhưng không phải ai cũng biết được chính xác lý do.

Đầu tiên, ta sẽ tìm hiểu về nguyên nhân của lệnh cấm này. Theo đó, vào năm 2006, lần đầu tiên quy định cấm mang chất lỏng lên máy bay được ban hành rộng rãi trên khắp thế giới sau khi âm mưu đánh bom bằng chất lỏng được cảnh sát Anh đập tan. Lượng chất lỏng được tìm thấy trên một chuyến bay từ Anh sang Bắc Mỹ ước lượng có thể gây ra một vụ nổ lớn, thiệt hại nặng nề hơn cả vụ 11/9/2001 cách đó ít lâu. Trước đó, một vụ nổ xe bus khác cũng được phát giác vào năm 2005. Loại bom được tìm thấy có thành phần chất lỏng.

Vụ việc đã khiến tất cả các hãng hàng không siết chặt an ninh một cách gắt gao, đặc biệt là với các loại chất lỏng mang lên máy bay. Cụ thể, các chai dung dịch này đều phải được chia nhỏ, mỗi chai ít hơn 100 ml, tổng dung tích không vượt quá một lít.

Chất lỏng mang lên máy bay phải có dung dích nhỏ hơn 100 ml mỗi chai và dưới một lít tổng cộng.

Chất lỏng mang lên máy bay phải có dung dịch nhỏ hơn 100 ml mỗi chai và dưới một lít tổng cộng.

Quy định này nhằm kiểm soát và ngăn chặn việc mang các loại chất lỏng có khả năng gây nổ như nitroglycerin có thể được ngụy trang dưới dạng chai nước hay đổ vào trong các loại dung dịch quen thuộc như sữa tắm, dầu gội đầu, nước súc miệng. Vào thời điểm đó, các máy quét ở cửa kiểm tra an ninh mới chỉ nhận biết được chất lỏng chứ chưa thể xác định dung dịch đó gồm thành phần nào.

Còn việc chia nhỏ thành các chai dung tích 100 ml được các nhà khoa học chứng minh rằng làm giảm mức độ nguy hiểm. Trong trường hợp quá cần thiết, hành khách vẫn được phép mang chất lỏng nhưng buộc phải chia nhỏ. Theo các chuyên gia tại Cục kiểm soát an ninh Mỹ, nếu chúng bị các phần tử xấu ngụy trang thành chất nổ thì với dung tích được chia nhỏ như vậy, tác hại sẽ giảm đi, thậm chí không còn khả năng kích nổ của bom tự chế.

Nhiều người sẽ thắc mắc rằng, vậy nếu mua nước uống hoặc mua nhiều loại nước hoa, mỹ phẩm tổng dung tích hơn một lít sau khi qua cửa kiểm tra an ninh tại sao lại không bị cấm. Trên thực tế, toàn bộ hàng hóa nằm trong khu vực này (như các cửa hàng miễn thuế) đều đã trải qua quá trình kiểm tra gắt gao, đảm bảo không chứa các chất có thể chế thành bom, mìn. Hơn nữa, việc này cũng thúc đẩy tăng doanh thu đáng kể cho các quầy hàng này.

Tuy nhiên, qua hơn 10 năm áp dụng, dần dần, quy định này cũng đã có nhiều nới lỏng. Cụ thể, đối với các hành khách bay nội địa ở Việt Nam, từ tháng 5/2016, du khách có thể mang theo lượng chất lỏng thoải mái, miễn là phù hợp về mặt kích thước và cân nặng theo quy định hành lý xách tay. Quy định này cũng được linh động ở nhiều quốc gia khi hiện nay, các máy móc thiết bị ở cửa kiểm tra an ninh đã hiện đại hơn, có thể phân biệt được chất vô hại và chất nổ.

GỌI NGAY 1900 1870 (MIỀN NAM), 1900 2045 (MIỀN BẮC) HOẶC (029) 27308668 (MIỀN TÂY) ĐỂ ĐƯỢC TƯ VẤN COMBO KHÁCH SẠN + VÉ MÁY BAY GIÁ SIÊU TIẾT KIỆM TỪ IVIVU.COM

Theo Nguyên Chi/Ngôi sao

Click đặt ngay Khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...