Du xuân ở vùng trời khác

16:23 02/01/2014

Không bánh mứt, không hái lộc, không thăm viếng họ hàng, Tết của những gia đình đam mê du lịch bụi là ở một vùng trời khác, du xuân trên vạn dặm đường.

Du lịch Tây Bắc - iVIVU.com

Muôn nẻo đường Xuân

Bà Trần Bạch Tuyết (80 tuổi, giáo viên về hưu) đã lên chức cụ từ vài năm nay. Thế nhưng hiếm Tết nào hàng xóm lại không gặp cảnh bà bất tật ba lô cùng gia đình cô con gái và các cháu ngoại cùng lên đường du xuân.

Du xuân xa nhà - iVIVU.com

Bà Trần Bạch Tuyết và vợ chồng cô con gái đón xuân tại Bình Thuận.

Khẳng định đã “không còn ăn Tết ở nhà từ nhiều năm nay”, chị Trần Hồng Ngọc ( 29 tuổi, nhân viên ngân hàng) cho hay dù đang sinh sống ở TP. HCM nhưng năm nào cũng bay về Hà Nội rồi đưa cả gia đình gồm bố mẹ, em trai đi ăn Tết xa. Chị giải thích: “Cuộc sống ngày càng đầy đủ, mọi người biết hưởng thụ nhiều hơn. Cứ Tết đến, cả nhà chúng tôi lại lên kế hoạch chọn một điểm đến trong khu vực Châu Á rồi cùng nhau lên đường ngao du.”

Ăn Tết xa nhà - iVIVU.com

Vợ chồng bác Lê Thanh Tuấn và Nguyễn Thị Phi cùng hai con gái tại Thái Lan.

Với nhiều gia đình, du lịch ngày xuân còn là một cách để ngày Tết kéo dài hơn với những niềm vui của năm mới. Ở tuổi ông bà, vợ chồng bác Lê Thanh Tuấn và Nguyễn Thị Phi ( 58 tuổi, giáo viên nghỉ hưu) thường “lập nhóm” với gia đình hai cô con gái đang sinh sống ở Úc để cùng tận hưởng không khí Tết ở một nơi xa lạ. “Đi đến đâu là chúng tôi chụp hình, gửi e-mail cho người thân ở nhà, thỉnh thoảng còn gọi điện thoại để ‘truyền hình trực tiếp’ không khí lễ hội ở nơi chúng tôi có mặt. Những lúc như vậy người thân cũng thấy rất thú vị và hiểu rằng không phải vì vui thú bản thân mà chúng tôi quên họ.”

Thói quen “đón Xuân xa” cũng lan qua rất nhiều người trẻ độc thân đam mê du lịch bụi. Bất chấp những “cặp mắt khác lạ” hay “lời xầm xì” của người xung quanh, cứ đến giao thừa, anh Nguyễn Chí Linh (nhân viên truyền thông) lại bước lên một chuyến bay và nối dài danh sách gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ đã vi vu. Vừa hoàn thành chuyến đi Pakistan, Linh đã lên ngay kế hoạch du lịch bụi đến Kenya và Tanzania vào Tết Quý Tỵ.

Xuất ngoại du xiaan - iVIVU.com

Nguyễn Chí Linh tại khu vườn Lumbini nơi đức Phật sinh ra ở Nepal trong ngày tết năm 2006

 

Thèm da diết một lát bánh chưng

Du lịch ngày Tết được đánh giá là có phần đắt đỏ hơn các ngày thường. Nhưng bù lại, Xuân trên những cung đường trở nên đặc biệt bởi “Một năm có lẽ Tết là mùa đẹp nhất vì đường phố được trang hòang lộng lẫy hơn, khách sạn nhà hàng cũng đón tiếp khách nhiệt tình hơn”, cô Hoàng Lan giải thích.

Nhờ những chuyến đi xa như vậy, những bữa ăn ở nhà hàng đã trở thành cơ hội quây quần gia đình, mọi người hỏi han nhau sau một năm không gặp, đồng thời có cơ hội đi du lịch vui thú cùng nhau.

Với gia đình chuộng du lịch bụi ngày Tết ở nước ngoài, không khí Xuân vẫn tràn ngập ở những quốc gia và vùng lãnh thổ có cùng truyền thống đón Tết nguyên đán với Việt Nam như Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc…

Du lịch tâm linh, thăm viếng chùa chiền cũng là một phần không thể thiếu trong chuyến du lịch bụi ngày Xuân, dù ở trong nước hay nước ngoài. Gia đình chị Trần Hồng Ngọc đã từng có một chuyến du Xuân đáng nhớ ở Indonesia

Du xuân Đông Nam Á - iVIVU.com

Chị Trần Hồng Ngọc cùng gia đình du xuân qua các ngôi đền tại Bali.

Gia đình tôi đi Bali mùa Tết năm 2010, cả nhà thuê hai chiếc xe máy rồi cùng nhau lái đến các ngôi đền linh thiêng như Tanah Lot, Besalik… Ngoài Tết ra thì thật hiếm có cơ hội nào trong năm để làm những việc như vậy. Đi xa nhiều sẽ thiếu không khí tết, thậm chí có lúc đang ở nước ngoài cũng thèm da diết củ dưa hành và lát bánh chưng, nhưng chúng tôi luôn cảm nhận được không khí vui vẻ, nhộn nhịp ở một nơi hoàn toàn mới mẻ.”

Những gia đình có “thâm niên” đón Xuân xa nhà thì rỉ tai nhau bí quyết “mang Tết lên đường đi” bằng cách không bao giờ quên nhét vào ba lô một chiếc bánh tét hay gói mứt cổ truyền. “Ngày tết đến, các nước nằm cùng vĩ tuyến từ Ấn Độ trở lên Bắc Bán Cầu thì thời tiết vẫn còn lạnh, tôi thường đặt những đòn bánh tét hay bánh chưng ngon, gói cho thật chặt và chiên bằng cách lăn nước những chiếc lạp xưởng hay làm thịt muối cho vào lọ.” – anh Nguyễn Chí Linh kể về thực phẩm du Xuân của mình – “Bạn nhớ mang theo một ít mứt dừa hay mứt gừng để có thể ngồi ở quán cà phê nào đó nhấm nháp cùng với trà. Hạt dưa hay hạt bí cũng là món ăn vặt lí tưởng trên đoạn đường di chuyển bằng xe buýt hay tàu lửa.

Bà Trần Bạch Tuyết: “Ngày xưa ăn Tết, bây giờ chơi Tết nhiều hơn”

Khi tôi còn nhỏ, gia đình sống ở Hà Nội, Tết quan trọng lắm. Từ ngày 23 tháp Chạp Âm Lịch, cúng ông Táo là không khí Tết đã rộn ràng lắm rồi. Trẻ con thì thích Tết vì được cha mẹ may cho quần áo mới. Mùa đông rét buốt mà vẫn theo mẹ đi chợ mua lá dong, đãi đậu rồi gói bánh chưng ngày Tết. Người lớn thì nhộn nhịp lo việc chính, trẻ con thì phụ việc nhỏ. Cả gia đình quây quần bên nồi bánh chưng để thêm củi, thêm nước, rồi cùng nhau nấu chè kho, làm các loại mứt gừng, mứt táo, mứt quất (tắc)…

Đến 30 Tết là ngày cúng gia tiên, tất cả con cháu không ai vắng mặt, tề tựu trong bữa cơm gia đình cuối cùng của năm cũ. Từ Giao thừa đến mùng ba Tết ngày nào cũng phải cúng. Tết ngày xưa kiêng đi chơi xa lắm, mùng một là không đến nhà người khác, có thăm cũng chỉ đến nhà ông bà, họ hàng thân tộc. Đến mùng ba hạ cây nêu thì đi gặp gỡ bạn bè, hoặc cả gia đình về thăm quê.

Bây giờ người ta chơi Tết nhiều hơn là ăn Tết. Bánh chưng, mứt kẹo có thể mua sẵn không mất thời gian làm. Gia đình chúng tôi vẫn giữ truyền thống ăn bữa cơm gia đình ngày 30, chúc Tết họ hàng mùng một, rồi đến mùng hai Tết thì bắt đầu đi chơi xa. Tết vẫn có ý nghĩa nhưng mọi thứ được giản đơn lại, bớt đi nhiều thủ tục rườm rà.

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU – Theo Dinhhangtumblr

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...