Du lịch Quảng Ngãi thăm ‘con sông quê hương’ của Tế Hanh

08:39 26/08/2015

Đến Quảng Ngãi, xuôi dòng Trà Bồng về xã Bình Dương – quê hương của nhà thơ Tế Hanh – bạn sẽ cảm nhận được nhiều hơn về làng quê êm đềm bên dòng sông bốn mùa xanh biếc…

Du lịch Quảng Ngãi thăm ‘con sông quê hương’ của Tế Hanh

Xuôi dòng Trà Bồng về Bình Dương - Ảnh: V.Q.Cầu

Xuôi dòng Trà Bồng về Bình Dương – Ảnh: V.Q.Cầu

Bình Dương như một ốc đảo nằm sâu trong đất liền ba bên bốn bề đều tiếp giáp với sông nước.

Từ thị trấn Châu Ổ về Bình Dương cứ nhằm hướng ngã ba Lý Bình đi một mạch chừng vài cây số qua những cánh đồng xanh, qua chiếc cầu mới bắc ngang dòng sông Dâu – một nhánh sông đổ ra sông Trà Bồng – là tới xã Bình Dương.

Nhưng nhiều du khách không chọn con đường này mà chờ khi chiều xuống ra bến sông sau chợ Châu Ổ xuôi đò dọc về Bình Dương, để sống lại cảm giác mà nửa đầu thế kỷ trước ông Hai Phố (tên tục của nhà thơ Tế Hanh) đã viết: “Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã. Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang” (Quê hương – Tế Hanh).

Con thuyền trôi trên dòng sông lượn lờ qua khúc quanh nơi đồi Châu Má. Kia rồi, thôn Đông Yên, thôn Mỹ Huệ vẫn “bờ tre ríu rít tiếng chim” kêu. Những rặng tre xanh soi bóng xuống sông chiều và mặt nước vẫn “chập chờn con cá nhảy” (Nhớ con sông quê hương – Tế Hanh).

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm (Quê hương - Tế Hanh) - Ảnh: V.Q.Cầu

Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm (Quê hương – Tế Hanh) – Ảnh: V.Q.Cầu

Thuyền con vịt trên sông quê Bình Dương - Ảnh: V.Q.Cầu

Thuyền con vịt trên sông quê Bình Dương – Ảnh: V.Q.Cầu

Đến khoảng đầu thôn Đông Yên, chiếc cầu tre lắt lẻo của ngày xưa biến mất, thay vào đó là chiếc cầu mới bằng sắt bắc ngang sông. Còn chợ Hôm – ngày xưa là bến đỗ – nơi dân làng sau một đêm ra khơi đánh bắt “tấp nập đón ghe về”, giờ được tu sửa xây dựng lại khá khang trang.

Phía ngoài mé sông, một bờ kè vắt dài để bảo vệ khu dân cư sau mỗi mùa mưa lũ. Một doanh nghiệp tư nhân đã đầu tư mua sắm thuyền con vịt để cho trẻ trong làng mỗi chiều bơi dọc dòng sông, để người làng sau một ngày vất vả trên đồng ra ghế đá ngắm con trẻ dạo trên sông và mình thì thỏa thuê đón làn gió mát từ sông thổi đến.

Chào hè rực rỡ, du lịch thả cửa với Deal mùa hè giá cực sốc từ iVIVU.com

Con đường quê ngày xưa mang theo tự bạch của ông Hai Phố “Tôi con đường nhỏ chạy lang thang/ Kéo nỗi buồn không chạy khắp làng” (Lời con đường quê – Tế Hanh) giờ cũng đã được bêtông hóa. Những ngôi nhà thấp bé của ngày xưa ấy giờ thay vào đó là những ngôi nhà tầng khang trang.

Phía trước đình Đông Yên, xưa nơi cuối mùa đánh bắt, ngư dân tổ chức lễ Hoàng Nguyên tạ ơn trời biển, tổ chức hát bá trạo (tức hò kéo chài) mô phỏng công cuộc lao động trên biển có pha chút huyền thoại về cá ông (cá voi) cứu người, giờ đã xây dựng một cổng làng khá lớn.

Người quê tự hào quê mình có ông Hai Phố nên cổng làng cũng được trích dẫn đôi câu thơ: “Cánh buồm trương to như mảnh hồn làng. Rướn thân trắng bao la thâu góp gió”… (Quê hương – Tế Hanh).

Quả làng quê biển sản sinh ra thi sĩ tài hoa ai mà chẳng tự hào, ai mà chẳng muốn ghi ơn?

Cổng làng có đôi câu thơ của thi sĩ Tế Hanh - Ảnh: V.Q.Cầu

Cổng làng có đôi câu thơ của thi sĩ Tế Hanh – Ảnh: V.Q.Cầu

Vườn xưa - nơi thi sĩ Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời

Vườn xưa – nơi thi sĩ Tế Hanh cất tiếng khóc chào đời

Len lỏi trong con hẻm nhỏ dừng chân trước ngôi nhà xưa của ông Hai Phố, dấu xưa in đậm trên mái ngói, vòm cây. Nơi đây, ông Hai Phố cất tiếng khóc chào đời, lớn lên đi học ở Huế, rồi tham gia kháng chiến, tập kết ra Bắc vẫn nhớ về quê hương.

Trong nắng chiều buông, ngôi nhà xưa cửa đóng then cài, những câu thơ trong bài thơ Vườn xưa bất chợt hiện về trở thành nỗi nhớ mênh mông.

Từ thôn Đông Yên đi ngược ra sông, du khách sẽ nhận ra chiếc cầu tre nối liền giữa thôn Đông Yên với thôn Đồng Min. Cầu làm bằng những đoạn tre già gắn xuống lòng sông sâu.

Theo vòng xe, theo nhịp chân người, chiếc cầu tre rung lên bần bật với những âm thanh kẽo kẹt từ những thanh tre trên cầu.

Nhiều người ở xứ này gọi đây là “chiếc cầu ký ức”, bởi thời ông Hai Phố cắp sách cho đến bây giờ cầu cũng được làm bằng vật liệu như thế. Cứ mùa hạ về dân làng lại chặt tre đóng cọc và trước khi mùa mưa bão tới, khi sông Trà Bồng nước sắp dâng cao, dân làng nhanh tay tháo dỡ và một bến đò được hình thành để nối đôi bờ sông.

Phải chăng trong cuộc vươn lên, người Bình Dương giữ chiếc cầu tre này là giữ một chút hình quê, một mảnh hồn làng từng đi vào thơ ca giai thoại?

Cầu tre từ thôn Đông Yên qua thôn Đồng Min - chiếc cầu ký ức - Ảnh: V.Q.Cầu

Cầu tre từ thôn Đông Yên qua thôn Đồng Min – chiếc cầu ký ức – Ảnh: V.Q.Cầu

Sông Trà Bồng trước khi đổ ra cửa Sa Cần cứ lượn lờ quanh những cồn bãi. Từ thôn Đông Yên theo con đường bêtông, một bên là sông xanh, một bên là cánh đồng lúa và hoa trái, những hàng quán hiện ra.

Nơi đây, dân trong vùng gọi là Bãi Dương, có nhiều món ăn nồng vị biển. Du khách tha hồ thưởng thức từ lúc trời chiều cho đến khi đêm xuống trăng lên…

Theo Tuoitre.vn

Click đặt ngay Tour du lịch và Khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...