Đèo Mã Pì Lèng nằm ở độ cao 1.200 m, thuộc cao nguyên đá Đồng Văn, địa danh được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu vào năm 2010. Nhìn từ xa, con đèo như một “sợi chỉ” vắt giữa lưng chừng đồi núi tạo nên khung cảnh hùng vĩ của cao nguyên núi đá.
Cung đường đèo này có chiều dài khoảng 20 km, nằm trên con đường Hạnh Phúc nối liền Đồng Văn – Mèo Vạc. Mã Pì Lèng hay Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng đều mang nghĩa “sống mũi con ngựa” theo tiếng của dân tộc Mông. Tuy nhiên, cũng có tài liệu nghiên cứu cho rằng tên gọi này ban đầu không được đặt cho đỉnh núi hay con đèo mà là tên của một bản người Mông ở địa phương vào thời con người mới mở đường qua đây.
Trên đường đèo, du khách sẽ bị cuốn hút khi nhìn thấy hẻm Tu Sản nằm dưới khe núi tạo thành sông Nho Quế. Sông Nho Quế chảy vào Việt Nam từ địa phận thôn Séo Lủng, xã Lũng Cú, Đồng Văn, đi qua hẻm núi Tu Sản rồi chạy dọc theo đèo Mã Pì Lèng. Đến Mèo Vạc, dòng nước tách ra chảy theo hướng đông – đông nam vào địa phận Cao Bằng, cuối cùng đổ nước vào sông Gâm.
Nhiều điểm trên cung đường này du khách có thể dừng để ngắm và chụp ảnh. Chị Thu Hà, du khách từ Hà Nội, check-in tại khu vực mỏm đá (năm 2017) ở đèo Mã Pì Lèng, nơi có tầm nhìn toàn cảnh hẻm Tu Sản. Công trình nhà nghỉ, quán cà phê không phép Panorama được xây trên một khúc cua, trước cũng là mỏm đá nhiều khách dừng check-in.
Con thuyền lướt trên dòng Nho Quế, xung quanh là những vách núi đá hùng vĩ của vùng cao Hà Giang. Anh Phạm Hoàng Cương (Hà Nội), tác giả bộ ảnh chia sẻ, anh dành nhiều năm để ghi lại vẻ đẹp hùng vĩ của cung đèo. “Mỗi khi lên đỉnh Mã Pì Lèng ngắm dòng sông Nho Quế màu xanh ngọc cùng những đỉnh núi cao vợi, tôi lại thấy như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh”, anh Cương kể.
Một trạm dừng chân trên cung đèo. Các tài liệu lịch sử ghi lại, cung đường đèo được hàng chục nghìn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc làm trong 6 năm (1959-1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động. Trong đó, riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng.
Ngoài chiêm ngưỡng phong cảnh, du khách có thể tìm hiểu và thử trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa trên đèo Mã Pì Lèng. Trong ảnh là một người dân tộc Mông ngồi nghỉ trên đường gùi bó cây ngô khô về nhà.
Ngày 16/11/2009, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp khu vực Mã Pí Lèng là di tích danh lam thắng cảnh quốc gia. Trong đó, đèo Mã Pí Lèng được coi là khu vực di sản đặc sắc về địa chất và cảnh quan; khu vực đỉnh đèo được đánh giá là một trong những điểm quan sát toàn cảnh vào loại đẹp nhất ở Việt Nam; và hẻm vực sông Nho Quế là một trong những thung lũng kiến tạo độc nhất vô nhị ở Việt Nam.