Chỉ một thời gian ngắn sau mở cửa, Myanmar đã có những đổi thay rất nhanh, nhanh đến mức khó hình dung nổi.
Yêu mến đất nước Myanmar hiền hòa, tôi dặn với lòng nhất định sẽ sớm trở lại xứ sở này khi tạm biệt Myanmar vào mùa thu năm trước. Lời hứa trở thành sự thật, tôi quay lại Myanmar nhanh hơn dự định. Tâm trạng lần này nửa vui nửa buồn bởi nếu chậm thêm một thời gian nữa, không biết Myanmar có còn như tôi thương nhớ hay không.
Giá cả tăng nhanh bất ngờ
Ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Yangon – cố đô của Myanmar là bị sốc. So với một năm trước, giá cả ở đây đắt đỏ đến mức choáng váng bởi tôi không chuẩn bị tinh thần cho điều này. Một nải chuối nho nhỏ tại một quầy trái cây ven đường được bán với giá 1.500 kyats, tương đương 30.000 đồng ở Việt Nam. Nải chuối này nếu tôi mua ở Sài Gòn chưa đến 20.000 đồng. “Không lẽ vì mình là người nước ngoài nên bị lấy giá cao?” – tôi thầm nghĩ mà trong lòng thoáng buồn. Dần dần, tôi nhận ra gần như mọi thứ ở Myanmar đều tăng giá quá nhanh.
Tôi và người bạn ăn tối ở một quán cơm không thể nào bình dân hơn nữa ngay góc khách sạn Yuzana ở Yangon. Hai dĩa cơm trắng, một nhúm cá khô chiên, một chén nhỏ đồ xào kiểu Myanmar tính ra đến 80.000 đồng tiền Việt. Vì quá bất ngờ, tôi cứ hỏi đi hỏi lại. Chị chủ quán vội vàng đổ hết túi tiền của mình ra lấy số tiền tôi phải trả để ra dấu. Ôi, năm trước, một dĩa thức ăn ngon hơn như thế này tôi chỉ phải trả tương đương 15.000 đồng mà thôi. Ở những trạm dừng chân của xe buýt đường dài đi Bagan hay hồ Inle, một dĩa cơm rất đơn giản cũng phải 50.000 đồng. Với số tiền này, tại Sài Gòn, tôi sẽ có dĩa cơm ngon hơn thế rất nhiều.
Giá khách sạn ở Myanmar còn chóng mặt hơn. Mới năm rồi, khách sạn Yuzana tại Yangon có giá 60 USD/phòng hai người mà tôi đã thấy quá cao vì phòng ốc cũ kỹ. Nhưng năm nay, giá phòng đã thành 119 USD. “Nếu rơi vào mùa cao điểm từ tháng 10 đến tháng 4 thì giá sẽ tăng hơn một chút” – lễ tân khách sạn cho biết. Với số tiền này, ở nhiều nơi người ta có thể được ở resort ba, bốn sao.
Trên đỉnh núi Popa ở Bagan, tôi gặp một cô gái Pháp cũng đi du lịch như mình. Hỏi cảm tưởng về Myanmar, cô bạn ấy cũng lè lưỡi vì giá khách sạn quá đắt. Một nhà nghỉ bình dân tại Bagan đã khoảng 25 USD/phòng hai người cho mùa vắng khách.
Tại thủ đô Kathmandu của Nepal, nhà nghỉ tương đương thế này ở khu Tây balô chỉ chừng 10 USD, nhét mấy người cũng được. Nhân viên lễ tân khách sạn ở Bagan cũng nhìn nhận khoảng một năm nay giá phòng ở đây đã tăng gần gấp đôi. “Có lẽ vì quá nhiều du khách đến, số khách sạn không đủ đáp ứng nên giá tăng” – người bạn cho biết. Đặc biệt, khách Tây dường như đang đổ xô đến Myanmar. Một anh bạn người Áo tôi gặp ở Mandalay cho biết đây là nước đầu tiên anh đến sau khối châu Âu. “Vì Myanmar mới mở cửa nên tôi đến” – anh chàng cho biết lý do.
Một thay đổi dễ nhận thấy ở TP Yangon là đã dần vắng bóng những cô gái Myanmar tóc dài đen nhánh, bẽn lẽn trong trang phục xà rông kín đáo. Thay vào đó là những cô nàng hiện đại váy ngắn, quần jean, tóc nhuộm vàng hoe. Điện thoại di động đã trở thành thứ quá phổ biến, cho dù đa số đều là hàng “second hand” của Trung Quốc và giá từ bạc triệu trở lên. “Có lẽ chưa đến năm năm nữa, ở Yangon sẽ không còn thấy hình ảnh những đôi má bôi bột Thanaka trắng xóa nổi tiếng của Myanmar lâu nay” – một người bạn đi cùng tôi cảm thán. Những đạo sĩ râu tóc kỳ dị mà tôi từng gặp rất nhiều trên đường phố hoặc trong những ngôi chùa thì nay tuyệt nhiên vắng bóng. Họ đã đi đâu?
May còn một Myanmar hiền lương
Tuy vậy, Myanmar vẫn hiền lành chân thật lắm. Buổi tối ở Yangon, tôi đi dạo loanh quanh bằng xe xích lô. Trời đổ mưa to, anh đạp xe xích lô ướt đẫm hết cả người tìm đủ mọi cách đưa tôi thoát khỏi cảnh kẹt xe trong cơn mưa gió. Anh ngượng nghịu cười: “Trả bao nhiêu cũng được” khi tôi hỏi giá tiền. Đến bây giờ, sau khi biết về chi phí ở Yangon, tôi cứ áy náy mãi về số tiền mình đã gửi dù anh đã nhận bằng cả hai tay và cảm ơn. Cô bé bán cơm bình dân ở Bagan quên cả nhiệm vụ bán hàng, lo lắng đi tìm hết người này đến người nọ để hỏi đường về khách sạn giúp khi thấy chúng tôi quên đường. Anh lái xe tuk tuk đã xuýt xoa xin lỗi và tự động bớt giá khi thấy một người bạn trong nhóm của tôi chân bị thương, không thể đi bộ xa nên phải thuê xe.
Tôi mua tour trọn gói (trừ ăn uống) của một công ty du lịch tại Myanmar chưa từng quen biết, chỉ trao đổi qua email. Khi đến Yangon, trả hết tiền và nhận tờ giấy đơn giản gọi là hợp đồng mà không biết văn phòng họ ở đâu, chúng tôi chuẩn bị tâm lý có thể bị lừa. “Sau khi nhận phòng khách sạn trở xuống, nếu không thấy người của công ty du lịch ngồi đợi dẫn đi tham quan thì… tự hiểu nha” – mọi người nói với nhau. Thế nhưng những gì công ty du lịch này dành cho chúng tôi là hơn cả mong đợi, từ chất lượng khách sạn đến phương tiện đi lại. Đến mỗi điểm dừng chân, những hướng dẫn viên đã đứng đợi từ lúc nào dù sáng sớm tinh mơ hay chiều tối. Anh hướng dẫn viên khi đi hồ Inle đã dẫn chúng tôi về làng của anh ở gần đó để có chỗ cho mọi người nghỉ ngơi. Ngôi làng nhỏ bình yên, tĩnh lặng chỉ có tiếng nói cười ríu rít khi những ông bố, bà mẹ giong thuyền đón lũ trẻ vừa tan học trở về. Trên tay đứa nào cũng cầm cái giỏ xách nhỏ với chiếc cà mèn cơm mang theo cho một ngày đi học xa nhà. Ngôi nhà sàn của anh hướng dẫn nhỏ xíu đơn sơ, mảnh sân nhỏ trồng hoa cỏ xung quanh. Ngôi làng ấy thật bình yên, ngôi nhà ấy nghèo nhưng ấm áp và hạnh phúc.
Đến Bagan và hồ Inle sẽ chẳng muốn về
Lâu nay nhắc đến Myanmar, ai cũng trầm trồ với cây cầu gỗ tếch Ubei ở Mandalay như một điểm nhất định phải đến. Ít ai biết ở ngôi làng của anh hướng dẫn viên du lịch của chúng tôi cũng có một cây cầu bằng gỗ tếch, hình dáng tương tự và còn thơ mộng, thi vị hơn cầu Ubei rất nhiều. Cây cầu giữa cảnh thiên nhiên sông nước đẹp như tranh vẽ vậy. Đến nỗi mọi người trong nhóm chúng tôi khi đến Mandalay không buồn chụp ảnh cầu Ubei nữa. Hồ Inle ở Myanmar dĩ nhiên là rất đẹp với hai bên là những dãy núi và những vạt rừng xanh biếc. Lũ chim bói cá đậu trên cây bình thản nhìn những chiếc thuyền lại qua. Dọc bờ hồ có gần 20 resort từ lớn đến nhỏ như là những bông hoa tô điểm cho hồ thêm lãng mạn. Buổi tối ở hồ tuyệt đối yên tĩnh. Ngoài ban công xinh xinh, những người khách Tây thong dong đọc sách. Tiếng tụng kinh từ ngôi chùa gần đấy, chỉ là tiếng tụng kinh mộc mạc, không chuông không mõ, vừa trang nghiêm vừa ấm cúng khiến lòng người quá bình yên. Những người dân sống ở mấy ngôi làng nghề bên hồ Inle vẫn luôn nở nụ cười thân thiện, ân cần vịn thuyền cho khách bước xuống mặc dù chẳng bán được món hàng nho nhỏ. Thảo nào không ít người nói rằng: Đến Inle sẽ chẳng muốn về.
Nếu hỏi con đường nào đắt giá nhất tại những nơi tôi đã đi qua thì câu trả lời sẽ là con đường dài chỉ vài cây số ở Bagan, bởi nó có thể làm sửng sốt bất kỳ ai. Hai bên đường là 3.000 ngôi chùa tháp đã tồn tại hàng trăm năm, đủ quy mô và hình thái kiến trúc nhấp nhô thấp thoáng trong những rừng cây thưa. Khó thể nghĩ rằng con người đã làm điều ấy vì chúng quá đỗi công phu. Cứ như thể những vị tiên nào đó trên trời rảnh rỗi nhào nặn đồ chơi rồi tung chúng xuống trần gian vậy. Gần như không có ngôi nhà nào xen lẫn hàng ngàn ngôi chùa tháp này mặc dù có một thị trấn ngay cạnh đó. Được biết cách đây hơn 10 năm, chính phủ đã dời toàn bộ nhà dân ra khỏi khu vực này, trả lại cho Bagan một không gian nguyên vẹn với 3.000 ngôi tháp cổ.
Chỉ một thời gian ngắn mở cửa, Myanmar đã có những thay đổi rất nhanh. Đời sống người dân đã tốt hơn, tiện nghi và hiện đại hơn. Dẫu biết rằng thật khó giữ nguyên những giá trị văn hóa truyền thống xưa cũ nhưng tôi vẫn mong ước Myanmar mãi mãi là xứ sở hiền hòa như tôi từng biết và hết lòng yêu quý. Biết rằng cực đoan và ích kỷ nhưng tôi chẳng mong Myanmar xa hoa tráng lệ mà lạnh lùng. Myanmar chỉ cần những con đường rợp xanh bóng cây, có hồ Inle, có Bagan, có hòn đá thiêng Golden Rock, có ngôi chùa vàng Sweadagon và nhất là sự bình yên hiền hòa của bấy lâu nay thì Myanmar sẽ nằm mãi trong trái tim những người đã một lần đến đây.
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: PLTP