Nhậu khuya ở Phnom Penh

13:38 01/09/2013

Đồng hồ chỉ 1 giờ sáng. Ngó xuống bàn thấy vỏ chai bia ngổn ngang. Ôi, văn hóa bia bọt Sài Gòn đã lan sang tận Phnom Penh rồi sao? Nhưng nghĩ lại cũng thú.

13-chot-fb2a6Qua đất Cam, ngồi quán vỉa hè với những món rất Việt, “chiến hữu” cũng đồng hương, được đắm mình trong không gian tiếng Việt thì còn gì thú bằng!

Hướng dẫn viên cho biết những con phố chính ở Phnom Penh chừng sau 5 giờ chiều là đóng cửa. Khoảng 9 giờ tối là thành phố đi ngủ. Người Campuchia không có thói quen mua sắm đêm nên các cửa hàng dù mở cửa cũng không có người mua.

Đi ngủ sớm thì uổng!

Mới 3 giờ chiều chúng tôi đã tranh thủ mướn xe tuk tuk chạy quanh thành phố Phnom Penh thăm thú đó đây, đồng thời tranh thủ mua vài món ăn, tối nay đành ngồi khách sạn nhâm nhi với bạn bè vậy. Đã bõ công vượt 240 km từ TP.HCM đến Phnom Penh mà đi ngủ sớm thì quá uổng!

Tài xế xe tuk tuk khoảng 40 tuổi, vui tính. “Anh tên gì?”. “Hên”. Không biết viết thế nào. Thôi, cứ gọi anh là Hên để lấy… hên. Anh Hên cho xe chạy qua những con phố chính của thành phố hơn 2 triệu dân này. Vừa lái anh vừa giới thiệu cảnh quan thành phố bằng thứ tiếng Việt lơ lớ. Chúng tôi hiểu. Thế là tốt rồi. Xe đi dọc bờ sông Tonle Sap qua khu phố Tây mới mà người địa phương gọi Sisowath Quay. Chúng tôi thấy có rất nhiều quán ăn, nhà trọ cho khách Tây, dạng như đường Phạm Ngũ Lão ở quận 1, TP.HCM. Anh Hên nói ở Phnom Penh có nhiều quán ăn Việt lắm, người Việt qua đây du lịch đông mà. Quán ăn Việt tập trung nhiều ở khu trung tâm thành phố, gần chợ Mới (Phsar Thmey, tiếng Anh Central Market) hoặc đường 113…

Còn muốn ngồi vỉa hè nhâm nhi ngắm cảnh thì ghé đại lộ Sihanouk. Ở đó, khách cởi giày ngồi trên những chiếc chiếu hoa nhâm nhi khô mực, hột vịt lộn… với bia Angkor, bia Pochentong (nước thốt nốt chua) trong chiều Phnom Penh đang xuống dần bên bờ Tonle Sap. Thế cũng thú! “Họ bán tới mấy giờ?”. Anh Hên nói họ bán đến khi thấy trời tối là nghỉ. “Có chỗ nào nhậu khuya không?”. “Có chớ, mà đông nhất là người Việt, ở khu trung tâm, gần khách sạn các anh ở đó”.

1 tiếng đồng hồ sau chiếc tuk tuk trả chúng tôi về khách sạn Paciffic, nằm trên trục đường chính Monivong, gần chợ Cây Tre (Okussey). Chúng tôi trả cuốc tuk tuk 20.000 riel (tương đương 100.000 VNĐ) và bo thêm 10.000 riel công làm hướng dẫn viên bất đắc dĩ của anh Hên.

Phnom Penh về đêm

Phnom Penh về đêm

Mồi tha hồ

Đêm xuống, chúng tôi thả bộ theo con đường cặp bên hông khách sạn. Chỉ khoảng 5 phút đi bộ, trước mặt đã xuất hiện dãy hàng quán bán cơm, hủ tíu, mì, cả phở Việt Nam nữa. Ghé một quán, thấy đồ ăn bày trên quầy gỗ toàn là những món có thể… nhậu được. Nào là cánh gà, chân gà chiên nước mắm, cá chiên, cút rô ti và tất nhiên không thể thiếu các món côn trùng chiên như dế, cào cào, nhện… Cạnh đó là mấy thau nghêu, sò, ốc, hến còn sống, đợi khách kêu mới chế biến. Bàn ghế đặt dọc lề đường, lộ thiên hoặc che bạt. Thực khách khá đông.

Chúng tôi ngồi vào một bàn trống, kêu hai cút rô ti và hai chai bia Angkor. Giá chim cút 4.000 riel/con (tương đương 20.000 VNĐ), chả cá chiên 20.000 riel, khô bò 20.000 riel, bia chai Angkor 4.000 riel… Một cuộc nhậu “ngoại” với giá cả như thế cũng không quá mắc. Nắp bia chai có khuy, chỉ cần giật lên là uống, thật tiện. Khác Việt Nam, giá bia chai lại mắc hơn bia lon, có lẽ vì người ta tính luôn vỏ chai. Bia Angkor có mùi vị đậm đà, hợp gu nhiều khách Việt.

Dĩa chim cút rô ti thơm lừng dọn lên cùng rau răm, muối tiêu. Sao giống ở Việt Nam quá nè trời. Mà hầu hết các món ăn khác cũng hợp khẩu vị người Việt. Chúng tôi thấy có một ông khách kêu món… trứng kiến chiên. Món ăn lạ nhưng thú thật chúng tôi không dám đụng đến. Bàn bên cạnh có ba cô gái kêu món mì xào sò huyết, sợi mì màu vàng nghệ. Đây là món ăn dân tộc của người Campuchia, gọi là mì nom banh chok. Quán đối diện bên kia đường cũng khá đông thực khách. Họ bán bia tươi Đức nhậu với khô bò. Mùi khói nướng thơm lừng bay dọc con phố.

Gặp “chiến hữu”

Khoảng 8 giờ tối, các quán kín khách ngồi. Phần lớn là người Việt. Có hai người đàn ông đến, kéo ghế ngồi bàn bên cạnh. “Bia Angkor lạnh nghe, hai chai” – họ gọi. Họ kêu thêm dĩa cá chiên, trông như cá chẽm. Nghe cạnh mình có người nói tiếng Việt, chúng tôi bắt chuyện làm quen. Người trạc 40 tuổi tự giới thiệu tên Bình, nhà ở Bình Dương, qua Campuchia từ ba ngày nay. “Làm gì mà ở lâu vậy?”. Bình cười: “Thì tranh thủ ghé casino làm vài ván cho vui mà”. Hóa ra Bình qua đây chủ yếu vì trò đỏ đen. Hèn gì hồi chiều ngồi xe tuk tuk, tài xế Hên chỉ một công trình lớn đang xây nói đây là cơ sở thứ hai casino Nagaworld, nơi “thử vận may” lớn nhất ở Campuchia.

Người Việt qua Campuchia thử thời vận trong các casino không phải là ít. Hướng dẫn viên Phạm Hữu Cảnh cho biết mỗi năm có khoảng 10 triệu lượt người Việt du lịch Campuchia, nhiều nhất trong số khách du lịch nước ngoài. Chúng tôi không biết trong số khách Việt sang đây có bao nhiêu người là khách hàng thường xuyên của các casino nhưng có lẽ con số này không nhỏ. Bằng chứng là gần đây có hàng chục casino mọc lên ở cửa khẩu Mộc Bài. Ở các thành phố lớn khác như Siem Reap, Shihanouville cũng thấy casino. Thậm chí lên cao nguyên Bokor (tỉnh Kampot) cao hơn 1.000 m so với mặt nước biển cũng có casino. Và vào casino thấy nhiều nhất là người Việt mình. Tại khách sạn 600 phòng Thansur Bokor ở cao nguyên Bokor, mỗi du khách Việt Nam còn được tặng một coupon in hai thứ tiếng Anh và Việt chỉ để vào casino trị giá 10 USD. Đổi coupon này thành các phỉnh là có thể sà vào bàn đỏ đen, nếu lỡ thua thì xin nhanh chân rút lui vì nếu không rất dễ cháy túi.

Thú vỉa hè

Nhậu vỉa hè có cái thú là tha hồ mua mồi vỉa hè lưu động. Đáp ứng nhu cầu dân nhậu, người địa phương chế ra quầy hàng lưu động gắn bên hông xe máy như kiểu xe side car của cảnh sát, việc di chuyển xem ra cũng gọn gàng. Quầy hàng lưu động chất nhiều thứ có thể làm mồi nhậu bình dân như đậu phộng nấu, bắp nấu, bắp xào, khô mực, khô bò, các loại khô cá, các loại trái cóc ổi xoài… Các loại mồi này chắc chắn chỉ nhằm phục vụ các thượng đế Việt thôi. “Cho hai lon đậu phộng nấu”. Anh thanh niên bán mồi lưu động nhanh nhẹn mang đậu đến, giá chỉ 4.000 riel. Đậu phộng nấu hạt nhỏ nhưng chắc và thơm.

Đáng chú ý, ở Phnom Penh không có người bán dạo đến tận bàn mời mua, chèo kéo. Chúng tôi ngồi suốt buổi chỉ có một cậu bé tới mời mua vé số. “Vé số Kiên Giang, Bến Tre đây” – cậu bé rao. Vé số Việt Nam cũng xuất khẩu sang xứ chùa tháp sao! “Dạ, bốn vé 10.000 riel, tương đương 50.000 đồng Việt ạ, mắc hơn 10.000 đồng Việt vì mang đi xa” – cậu bé nói. “Cháu quê ở đâu?”. “Dạ, Huế ạ”. “Qua đây lâu chưa?”. “Dạ, được ba năm. Theo ba mạ. Ba mạ cũng bán vé số luôn”.

Vậy đó, càng thức khuya càng khám phá nhiều điều chưa biết về cuộc sống.

Nhớ lắm!

Người bán quán ở đây tất nhiên là người Campuchia rồi. Họ vui vẻ, hòa nhã. Quán nọ với quán kia cạnh nhau, khách lỡ ngồi bàn quán này kêu món nhậu quán kia cũng không sao. Người Phnom Penh không ồn ào. Bởi vậy, quán nhậu nhưng không quá xô bồ. Hầu hết người bán nói được tiếng Việt. Chị chủ quán nơi chúng tôi ngồi ngoài 40 tuổi, có ba cậu có lẽ là con cháu phụ việc chạy bàn. Thấy chị trao đổi với khách bằng tiếng Việt, chúng tôi hỏi quê chị ở đâu. Chị nói quê chị ở Sóc Trăng, đã ba đời qua Campuchia lập nghiệp. Chị kể cách đây khoảng 10 năm, chị có theo cha mẹ về Việt Nam thăm quê. Bây giờ ông bà mất rồi, chị ít còn cơ hội về thăm quê. Các con chị cũng nói được tiếng Việt, tuy không rành bằng chị. Chúng tôi hỏi có ý định về Việt Nam làm ăn sinh sống không. Chị cười, nói bây giờ ở đâu quen đó rồi, đi nơi khác là nhớ lắm.

3 khách sạn giá dưới 1 triệu đồng ở Phnom Penh:

Hotel Nine Phnom Penh, giá từ: 665.000 đồng

Hotel Luxury World Phnom Penh, giá từ: 513.000 đồng

Cardamom Hotel & Apartment Phnom Penh, giá từ: 741.000 đồng

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: PLTP

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 4,00 điểm trên 5)
Loading...