Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, bến Nhà Rồng không chỉ thu hút du khách bởi ý nghĩa lịch sử mà còn là kiến trúc đặc sắc, lâu đời.
1. Dinh Độc Lập
Dinh Độc Lập tên gọi trước đây là Dinh Norodom được khởi công ngày 23/2/1868 do kiến trúc sư Hermite phác thảo, đến năm 1871 thì hoàn thành. Công trình được xây cất trên một diện tích rộng 12 ha, bao gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80 m, bên trong có phòng khách chứa 800 người, và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng dinh được chở từ Pháp sang. Năm 1962 sau cuộc đảo chính dinh mới được xây lại trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Ngày nay, Dinh Độc Lập là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước.
2. Nhà hát lớn
Nhà hát lớn Thành phố nằm trên đường Đồng Khởi, quận 1, được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật, đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Hoàn thành ngày 1/1/1900, nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Tây Âu và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố.
3. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn
Đây là nhà thờ Công giáo có quy mô lớn và đặc sắc, thuộc Tổng giáo phận TP HCM. Tháng 8/1876 nhà thờ được chính thức xây dựng do kiến trúc sư J. Bourard chịu trách nhiệm thiết kế và xây dựng, đến ngày 7/10/1877 thì hoàn thành. Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn là điểm du lịch thu hút nhiều du khách trong nước và cả nước ngoài.
4. Việt Nam Quốc Tự
Ngày 26/4/1964, Việt Nam Quốc Tự được khởi công dưới sự giám sát của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Chùa được xây dựng với một ngôi tháp 7 tầng mái cong, chạm trổ tinh vi trong không gian thiên nhiên rộng rãi, với các cảnh quan đặc sắc hài hòa mang đậm bản sắc phong cách kiến trúc Việt Nam. Đến nay, chùa Việt Nam Quốc Tự vẫn là điểm lui tới của các tín đồ Phật giáo xa gần và đông đảo các du khách khi đến với TP HCM.
5. Bưu điện trung tâm Sài Gòn
Bưu điện trung tâm Sài Gòn tọa lạc tại số 2, đường Công xã Paris, quận 1. Đây là tòa nhà được người Pháp xây dựng với phong cách chiết trung trong khoảng 1886–1891 theo đồ án thiết kế của kiến trúc sư Villedieu cùng phụ tá Foulhoux. Đây là công trình kiến trúc mang phong cách châu Âu kết hợp với nét trang trí châu Á. Nằm cạnh Nhà thờ Đức Bà và gần trung tâm mua sắm Diamond Plaza, công trình kiến trúc tạo nên sự tương tác sinh động, đẹp mắt và trở thành tâm điểm của Sài Gòn ngày nay.
6. Chợ Bến Thành
Chợ Bến Thành được xem là biểu tượng của thành phố. Sau nhiều lần thay đổi địa điểm xây dựng và tên gọi, đến năm 1912 chợ được khởi công xây dựng và hoàn thành tháng 3/1914 với tên Bến Thành đến ngày nay. Chợ Bến Thành có 4 ô cửa và 4 tháp cổng có gắn đồng hồ nhìn ra 4 con đường trung tâm quận 1, lần lượt theo các hướng bắc, nam, đông là đường Lê Lợi, đường Phan Bội Châu, đường Phan Chu Trinh và cổng chính có tháp cao nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang.
7. Đường hầm sông Sài Gòn
Đường hầm sông Sài Gòn (hay còn gọi là Hầm Thủ Thiêm) là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á. Sau gần 7 năm xây dựng, ngày 21/11/2011, hầm Thủ Thiêm chính thức được thông xe. Đường hầm hoàn thành giúp kết nối hai bờ sông và giảm tải cho cầu Sài Gòn, đồng thời làm động lực cho sự phát triển của thành phố.
8. Trụ sở UBND TP HCM
Trụ sở UBND TP HCM trên đại lộ Nguyễn Huệ, quận 1 là một tòa nhà được xây dựng từ năm 1898 đến 1909 do kiến trúc sư Gardès thiết kế, mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp.Trước khi trở thành nơi làm việc của UBND TP HCM, tòa nhà có tên là Dinh Xã Tây, sau đổi thành Tòa Đô Chánh Saigon. Đây được coi là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất TP HCM.
9. Bến Nhà Rồng
Bến Nhà Rồng được khởi công xây dựng ngày 4/3/1863 với mục đích làm nơi ở cho viên Tổng quản lý và nơi bán vé tàu. Cũng chính tại nơi đây, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã xuống con tàu Amiral Latouche Tréville ra đi tìm đường cứu nước. Bến Nhà Rồng hiện nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh – một trong những chi nhánh của Bảo tàng và di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cả nước.
10. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam
Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TPHCM là nơi bảo tồn và trưng bày hàng chục nghìn hiện vật quý được sưu tầm trong và ngoài nước. Ngày 28/11/1927 bảo tàng chính thức được xây dựng theo ban thiết kế của kiên trúc sư Delaval với lối kiến trúc “Đông Dương cách tân”. Sau ngày 30/4/1975, Bảo tàng được được Chính quyền Cách mạng tiếp quản nguyên vẹn. Ngày 26/8/1979, ngành chức năng đã đổi tên là Bảo tàng Lịch sử TP HCM, sau đổi lại là Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP HCM cho đến nay.
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo Vnexpress