Một lần đến ‘quốc gia hạnh phúc’ Bhutan

12:03 18/06/2014

Sau hơn năm giờ rời Bangkok (Thái Lan) và ghé Kolkata (Ấn Độ), chiếc Boeing của hãng hàng không Druk Air bắt đầu giảm tốc, hạ độ cao, chuẩn bị đáp xuống sân bay quốc tế Paro.

Quốc gia hạnh phúc Bhutan

Ngọn gió lành Bhutan

Bhutan – đất nước duy nhất trên thế giới đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc Quốc gia” (Gross National Happiness – GNH) thay vì “Tổng sản lượng Quốc gia” (Gross National Product – GNP) và là quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất châu Á, xướng danh cùng Thụy Sĩ – đã thấp thoáng xuất hiện dưới cánh bay.

Từng giây và từng giây trôi qua. Những ngọn núi nhấp nhô giữa mây, dựng đứng giữa điệp trùng những dãy núi phủ đầy tuyết như vén dần rồi để lộ gần hết sự hùng vĩ và nét đẹp huyền ảo của vùng Hymalaya (Hy Mã Lạp Sơn).

Mười giờ hơn 30 phút sáng. Nắng đã lên cao. Chúng tôi bước ra khỏi cầu thang máy bay giữa tiết trời hanh khô. Những cơn gió tựa như những dải lụa mỏng, cứ dịu dàng áp vào người, làm cho mỗi chúng tôi khẽ rùng mình. Camady, hướng dẫn viên Công ty Du lịch Quốc gia Bhutan, chỉn chu trong bộ Gho (Quốc phục) đưa cao hai tay vẫy lia lịa. Giọng anh lơ lớ đến buồn cười: “Chào Việt Nam. Lạnh quá, phải không? Đó là món quà đầu tiên của đất trời Bhutan đấy”.

Chiếc xe 24 chỗ, loại xe chở khách phổ biến ở Bhutan bắt đầu chuyển bánh, rời thành phố Paro theo hướng Thimphu, thủ đô của miền đất nghìn đời kiêu hãnh với huyền thoại Rồng Sấm. Chúng tôi bắt đầu nghĩ về lời chúc của Camady. Hình như trong ấy có chút gì vừa dí dỏm, vừa thâm thúy, lại rất thật. Có lẽ đó là cách bày tỏ tấm lòng của người Bhutan. Bởi cái lạnh mà chúng tôi đang trải qua đã được những cơn gió cố tình mang về từ những đỉnh núi lúc nào cũng có tuyết, mãi vây quanh Paro. Đó là món quà đầu tiên của đất trời Bhutan. Làm sao chúng tôi lại không chân thành nói lời cảm ơn.

Quốc gia hạnh phúc Bhutan

Chỉ có những ngọn núi, những con suối và những Dzong (chùa, nơi tu hành của các nhà sư) là cao to, tất cả còn lại ở Bhutan đều vừa phải.

Đôi mắt của hạnh phúc

Không khoa trương, ồn ào như chính nền văn hóa đẫm nét Phật giáo Hymalaya. Cái “vừa phải” có thể thấy ngay khi bước xuống máy bay là nhà cửa. Từ Paro, Thimphu đến các thành phố, thị trấn khác trong cả nước đều không có tòa nhà nào cao quá tám tầng. Tất cả giống nhau về mẫu kiến trúc, hoa văn và cả với màu sơn trắng đục. Nhà ở của Đức Vua trong khu gia đình Hoàng gia và của các quan chức chính phủ không được cách biệt nhiều, so với nhà của dân. Đó là mệnh lệnh của Vương triều.

Cho đến bây giờ tại thủ đô Thimphu (chứ nói gì ở các thành phố khác) vẫn không có chốt đèn tín hiệu giao thông. Không có, nhưng theo Camady, chưa có nơi nào xảy ra tình trạng kẹt xe. Anh nói: “Một phần do mật độ xe chưa cao, nhưng quan trọng hơn vẫn là việc ý thức chấp hành luật giao thông của người dân rất cao. Chúng tôi rất xấu hổ nếu chạy quá tốc độ hoặc đi không đúng phần đường của mình”.

Và, cho đến bây giờ đất nước này vẫn không có các tệ nạn xã hội như mại dâm, cờ bạc, trộm cắp, giết người. Dân Bhutan không hút thuốc lá, không sử dụng túi ni-lông, không chặt phá cây rừng và không bắt cá dưới sông suối, hái hoa nơi công cộng.

“Ở Bhutan nhà nào cũng có cửa, nhưng không mấy nhà cửa được khóa”. Ít nhất cũng phải hai lần Camady nói với chúng tôi câu ấy.

Ai đó đã cường điệu rất đẹp khi cho rằng lúc chiếc Boeing nép mình lao qua hai vách núi, nếu đưa tay qua cửa sổ, khách đi tàu có thể hái được vài cánh hoa rừng. Còn tôi, đã hai lần trong một buổi sáng khi đứng trước sảnh của một khách sạn nằm ở bên này sông Paro, suýt nữa đã chạm được tay vào cánh của chiếc Boeing lúc nó chuẩn bị rời đường băng nằm sát bờ sông phía bên kia.

Bhutan là một đất nước có thể gọi là hẹp, được hình thành bởi những thung lũng giữa những vách núi cao. Cả nước chỉ có một sân bay quốc tế, nhưng tại sân bay ấy cũng chỉ có một đường băng. “Cửa” xuống của sân bay nằm giữa hai vách núi hiểm trở. Ngoài đội bay “đặc chủng” gồm tám tay lái cự phách của Bhutan, không có phi công nào trên thế giới “dám thử tài nghiêng cánh” giữa hai vách núi để đáp xuống Paro.

Một bất ngờ rất thú vị là ngay buổi chiều đầu tiên đến với thủ đô Thimphu, chúng tôi đã được mời một cốc trà nóng giữa căn phòng thoang thoảng mùi hương trầm. Câu chuyện được nghe hôm ấy lại là chuyện về sự ra đời của hai vách núi đã làm nên danh hiệu “Paro, sân bay ngoạn mục nhất thế giới” mà Hiệp hội Hàng không Quốc tế đã bình chọn, nghe nói đến ba vòng – “Đó là quà tặng của một vị Lạt Ma sư tổ từ vô lượng kiếp trước đã dành cho Bhutan.

Thế nhưng phải chờ đến khi đất nước thống nhất và được trị vì bởi các Vương triều Wangchuck nó mới thật sự trở thành hai cánh cửa mở ra cho các chuyến tàu đáp xuống thành phố cửa ngõ Paro”.

Quốc gia hạnh phúc Bhutan

Bạn đừng ngạc nhiên, cũng đừng tỏ ra khó chịu nếu đến đất nước Rồng Sấm và được nghe những chuyện kể như thế. Bởi ở Bhutan, hình như mỗi dãy núi, mỗi con suối, khúc sông và muông thú đều được sinh ra với một chuyện kể rất đẹp.

“Chúng tôi không bắt cá dưới sông suối và không ăn thịt chúng vì, trên đỉnh đầu của đa phần con Omni đều có chữ Om” (Omni là tên một loài cá phổ biến ở Bhutan, hao hao như cá chép ở Việt Nam).

Không biết có phải chữ Omni ở đây bắt nguồn từ hai chữ “Om Mani” trong câu thần chú của Bồ tát Quan Thế Âm hay không. Nhưng thực lòng, tôi đã cố nhìn một hồi rất lâu đàn Omni to khỏe, đùa giỡn dưới chân cầu bắc qua Punakha Dzong, hay còn gọi là cung Đại Hạnh, nơi hợp lưu giữa hai con sông lớn Phochu và Mochu (sông Cha và sông Mẹ), nhưng vẫn không thấy được chữ “Om” nào.

Trên suốt chiều dài của đường quốc lộ từ Thimphu đến Punakha, Trongsa, Bumthang, Wangduephodrang… nhất là đoạn từ bên kia đèo Dochu La với độ cao gần 3.100 mét, dọc theo triền phía đông của dãy Hymalaya, bạn sẽ dễ bắt gặp những đàn trâu Zak đang ung dung gặm cỏ hoặc nhơi rạ khô trên những thửa ruộng bậc thang vàng óng, trông giống như những nốt trên một khuôn nhạc cực lớn, dựng nghiêng theo triền của vách núi cao.

Zak là loại trâu có thể gọi là khổng lồ, to gần gấp đôi con trâu to nhất mà ta vẫn thường thấy. Từ các dãy núi cao, Zak xuống trú lạnh và tìm thức ăn tại các thung lũng. Không bị tấn công, trái lại còn được con người che chở, tạo nguồn thức ăn… để rồi chẳng bao lâu sau đó đôi bên đã trở thành “bạn” của nhau. Mỗi năm hai lần, Zak hiến một phần bộ lông chống lạnh của mình cho con người. Thảm Zak là sản phẩm xuất khẩu độc đáo và rất có giá trị của Bhutan.

“Mình không tấn công, sát hại ai, cả với Zak, loài thú hoang dã, vốn rất hung dữ, thì lo gì” – Triết lý sống thấm đẫm triết lý Phật giáo ấy đã làm nên cái chất rất thật, rất tự nhiên, đến mức hồn nhiên trong mỗi con người Bhutan.

Chắc sẽ còn rất lâu nữa chúng tôi mới có thể quên được đôi mắt và nụ cười như bày tỏ sự ngạc nhiên của cô gái bán táo tại trạm dừng chân trên đỉnh đèo Dochu La. Chẳng là, sau khi hỏi giá, cô bạn cùng đi với chúng tôi chìa tờ giấy bạc có mệnh giá lớn hơn giá của bịch táo.

Từ phía sau quầy, cô gái bán táo vừa chồm tới, vừa chỉ tay vào cái thùng tiền để phía trước, nhờ khách bỏ tờ bạc của mình vào và tự lấy tiền thối. Khách lắc đầu. Cô gái tròn xoe đôi mắt, cười mỉm, bước ra lấy tiền thối cho khách, rồi, lại cười mỉm trong khi đôi mắt không giấu đâu được vẻ hồn nhiên.

Quốc gia hạnh phúc Bhutan

Đôi mắt và nụ cười. “Cặp đôi hoàn hảo” của cô gái bán táo trên đỉnh đèo Dochu La khe khẽ lạnh hôm ấy, phải nói là quá đẹp. Cho đến tận bây giờ, có lẽ đó là món quà thứ hai, sau cơn gió mang theo chút lạnh ở Paro, mà chúng tôi đã được nhận chỉ sau chưa đầy ba ngày đến với miền đất được xem là một Shangri La, cõi Tây phương Cực lạc còn sót lại ở vùng Hymalaya. Một đất nước hoàn toàn chưa giàu.

“Không chỉ mỗi mình cô gái bán táo trên Dochu La, hầu hết người dân Bhutan của chúng tôi đều thế. Anh đã không lấy bất cứ cái gì không phải của mình, thì sẽ không bị mất bất cứ cái gì cả. Đó là điều chắc chắn”. Theo Camady, lời dạy ấy anh được học từ những năm vừa mới biết đọc, biết viết.

Lời tuyên thệ của đức vua

Ở Bhutan có một câu nhiều người đã thuộc nằm lòng, đó là lời tuyên thệ của vua Jigme Khesar Namyel Wangchuck. Ngày 6-11-2008, ông đã nói ngay sau khi nhận áo mão, ấn dấu của vua cha Jigme Singye Wangchuck (người đã đưa ra khái niệm “Tổng hạnh phúc Quốc gia”, khi được truyền ngôi – năm 1972) – “Ta sẽ không cai trị như một ông vua. Ta sẽ bảo vệ thần dân như một người cha, chăm sóc thần dân như người anh em và phục vụ thần dân như một người con”.

Và, rất ít người không biết chuyện nhà vua của mình ngay sau khi lên ngôi đã thực hiện chuyến “vi hành” gần một tháng. Đi bộ là chính, đến những bản làng xa Thimphu nhất để tìm hiểu đời sống của từng người dân.

Quốc gia hạnh phúc Bhutan

“Chuyến đi của Đức Vua là cách Người muốn nói với thần dân là mình sẽ thực hiện những điều đã hứa với vua cha”. Jigme Khesar Namyel Wangchuck đã có thời gian gần chục năm theo học tại một trường đại học danh tiếng của nước Anh. Ông là vị vua trẻ tuổi nhất của thế giới hiện nay.

Sẽ không còn gì hạnh phúc hơn khi tất cả người dân, từ thủ đô đến các bản làng tại những triền núi hiểm trở đều được sống trong cảnh an vui, không phải lo lắng bất cứ điều gì. Nghèo mà không bao giờ đói, ốm đau, bệnh tật đều được chữa trị, chăm sóc miễn phí, con cái đi học đều không phải mất tiền, cả với tiền mua sách vở.

Và, chắc chắn trên thế giới hiện nay không có hình ảnh nào mô tả “cái đẹp về hạnh phúc cho tất cả” như hình ảnh mỗi chiều cuối tuần, Hoàng hậu và Đức Vua, mỗi người một chiếc xe đạp, quanh một vòng trên một đường phố nào đó của Thimphu mà không cần lính bảo vệ và người hầu đi theo.

Có một sự tình cờ rất thú vị, đó là hôm đến Bumthang, thăm tu viện Kurjey Lhakhang, nơi Đức Liên Hoa Sanh, một trong những vị tổ đầu tiên đưa đạo Phật vào Bhutan đã dừng chân, chúng tôi gặp hai cô gái Hà Nội – Tú và Huệ.

Được biết hai cô đã “lang thang” trên mạng, bắt gặp địa chỉ, mua vé máy bay và tự lo thủ tục nhập cảnh “chỉ để nhìn ngắm hạnh phúc của đất trời và con người Bhutan”, tôi hỏi, “Hai bạn đã đến những đâu?” – “Dạ rất nhiều”. “Đã gặp được mấy người bạn Bhutan?” – “Dạ không nhớ”. “Vậy đã thấy được hạnh phúc chưa?” – “Dạ rồi”. “Ở đâu?” – “Trên những đôi mắt”.

Cuộc trao đổi không hề hẹn trước giữa chúng tôi dễ gì phải kết thúc ở đấy, nhưng bây giờ ngồi nhớ lại và viết, tôi chỉ viết đến chừng ấy thôi. Bởi, cái mà chúng tôi đã gặp nhau khi tìm hiểu và nghĩ về hạnh phúc ở Bhutan, một phần, đã hiện rất rõ trên những đôi mắt. Những đôi mắt không giấu đâu được vẻ hồn nhiên đến tận cùng. Còn nếu hỏi, làm sao để đa phần người dân ở một đất nước chưa giàu lại có được đôi mắt ấy? Rất có thể, một phần câu trả lời nằm ở lời tuyên thệ khi lên ngôi của Vua Jigme Khesar Namyel Wangchuck.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Online

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (6 lượt, 4,17 điểm trên 5)
Loading...