Các cô gái Myanmar sử dụng bột gỗ để làm kem chống nắng, cánh đàn ông mặc đồ truyền thống thư thả nhai trầu.
Yangon khác lạ trong mắt du khách Việt
Anh Lê Nguyên Dona (sống tại TP HCM) chia sẻ về hành trình tham quan đất nước chùa tháp Myanmar theo cách của riêng mình:
Yangon hay Rangoon (tạm dịch Ngưỡng Quang) là thành phố lớn nhất Myanmar. Nhìn từ máy bay, Yangon hiện ra là những cánh đồng đã qua mùa gặt, còn đó những mảng vàng của gốc rơm rạ hay những trảng cỏ khô.
Nổi lên trên tấm thảm rơm và cỏ rộng lớn là những ngọn tháp rực rỡ của các ngôi chùa mà bạn có thể dễ dàng tìm thấy ở bất kỳ đâu từ làng quê đến thành thị. Cảm giác yên bình và có chút trầm buồn có lẽ là ấn tượng đầu tiên của tôi trong chuyến hành trình đến đất nước mới mở cửa này.
Thanaka, mỹ phẩm tự nhiên của mọi phụ nữ Myanmar
Khi máy bay hạ cánh, người đầu tiên chúng tôi gặp là Yin Yin, hướng dẫn viên địa phương. Cô gây ấn tượng bằng câu chào Mingalaba theo tiếng Myanmar. Vóc người nhỏ nhắn, trẻ trung, năng động cùng vẻ mặt sáng và hài hước của cô mang lại cho chúng tôi cảm giác sẽ có một chuyến đi thú vị. Yin Yin đón tiếp chúng tôi trong trang phục longee truyền thống, nhưng điều thu hút chúng tôi hơn cả là Thanaka. Đây là loại kem chống nắng được mọi phụ nữ Myanmar tin dùng.
Thanaka xuất hiện và được sử dụng rất lâu ở Myanmar, được nhắc đến chính thức vào khoảng thế kỷ 14 dưới thời vua Razadarit. Đây là loại bột được tạo ra từ vỏ cây táo voi, một loại cây phổ biến ở miền Trung Myanmar, Nam và Đông Nam Á.
Ở Myanmar, Thanaka được dùng như mỹ phẩm tự nhiên bôi lên mặt nhằm chống lại thời tiết oi bức. Đây cũng được xem là một trong những bí quyết giúp cho da mặt phụ nữ được tươi trẻ, chống lại mụn và lão hóa.
Bằng giọng điệu thích thú pha lẫn tự hào, Yin Yin mời chúng tôi thử bôi một ít Thanaka lên mặt. Cảm giác mát lạnh khi thoa Thanaka phần nào giúp chúng tôi quên đi cái nắng hơn 30 độ ngoài trời tại Yangon.
Tiếp đó, chúng tôi bắt gặp rất nhiều cửa hàng ven đường hay trong các khu chợ đang bày bán các khúc gỗ nhỏ kèm theo dụng cụ mài. Theo Yin Yin, người dân ở đây rất quý trọng đặc sản này. Họ thích tự mài những khúc gỗ nhỏ để lấy bột Thanaka thay vì mua sẵn ngoài chợ.
Để viếng thăm những ngôi chùa ở đây, chúng tôi được thông báo nên mang dép. Tại bất kỳ ngôi chùa nào, du khách và dân địa phương phải để lại giày dép và vớ bên ngoài cổng.
Shwedagon, ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar
Chùa Shwedagon còn gọi là chùa Vàng vì kiến trúc tháp stupa được dát vàng rực rỡ. Chữ Shwe trong Shwedagon có nghĩa là vàng.
Tên gọi này cũng nhắc đến một thời vàng son của đất nước, khi đó được gọi là Dagon tức Golden Land. Chùa có toà tháp vàng cao 98 m, nằm trên đỉnh đồi Singuttara. Chùa Shwedagon có bốn lối vào chính từ Đông, Tây, Nam, Bắc.
Ngôi chùa này lưu giữ những báu vật thiêng liêng của Phật Giáo như 8 sợi tóc của Đức Phật. Chùa được cho là xây dựng trước khi Đức Phật tịch diệt khoảng 2.500 năm trước.
Trên búp kim cương của tháp vàng là viên kim cương 76 carat, du khách có thể nhìn thấy ánh sáng từ viên kim cương từ dưới chân tháp nhờ hệ thống đèn chiếu.
Di chuyển theo chiều kim đồng hồ quanh tháp, chúng tôi tìm đến tượng Phật bảo hộ theo ngày sinh của mình. Ở đây có 8 góc tượng Phật ứng với các ngày sinh trong tuần từ thứ hai đến chủ nhật, riêng thứ tư có buổi sáng và buổi chiều.
Đến đúng khu vực của mình, cũng như những người dân Myanmar khác, tôi nghiêm trang đảnh lễ, dâng lên những vòng hoa lài nhỏ được chuẩn bị từ ngoài cổng. Sau đó, tôi dùng nước mát tưới vào tượng ba lần để bày tỏ lòng thành.
Yangon về đêm
Buổi tối, tôi bắt đầu dạo quanh các khu phố gần khách sạn ở trung tâm Yangon, lúc này các siêu thị điện máy và cửa hàng quần áo nhỏ đã dần dọn dẹp. Đối diện tòa thị chính là công viên trung tâm.
Màu thời gian in đậm trên những tòa nhà có từ thời thuộc địa Anh ở thế kỷ 19. Trong khu vực trung tâm nhất thành phố, chỉ còn một số ít công nhân đón những chuyến xe buýt “hợp pháp” trong ngày để về nhà. Nói là hợp pháp bởi vì sau thời gian hoạt động chính thức, sẽ có những xe sẵn sàng đón khách với giá cao hơn một chút.
Trong khu chợ thưa thớt chỉ còn vài hàng quán bán đồ chiên và một cửa hàng tiện lợi hiếm hoi trong dãy phố. Tôi chú ý những chiếc bàn chữ nhật nhỏ, nơi các đấng mày râu Myanmar trong trang phục truyền thống thư thả ngồi nhai trầu, say sưa những câu chuyện cuối ngày.
Ăn trầu là thói quen được truyền lại từ bao đời nay ở Myanmar. Ở đây, chuyện ăn trầu không chỉ dành cho các bà, các cô, mà còn được các anh thanh niên yêu thích.
Những miếng trầu têm đơn giản và được bày bán như một món hàng, bên cạnh những dãy nhà chung cư khá cũ với cầu thang khó có thể nhỏ hơn.
Trước những khu nhà đó, hay trung tâm thương mại, là những máy phát điện lớn án ngữ. Thỉnh thoảng, vẫn xảy ra tình trạng thiếu điện ở khu trung tâm, nên những chiếc máy công suất lớn như vậy phát huy tối đa tầm quan trọng của nó. Khách sạn chúng tôi ở cũng có đôi lần “tắt điện để giảm tải”.
Có thể sau vài năm nữa, Myanmar sẽ khác xa hiện tại. Chuyến hành trình của tôi lần này không quá muộn để có thể bắt gặp những gì gọi là đặc trưng, là bản sắc riêng của đất nước có một quá khứ vàng son này. Hy vọng ngày trở lại, tôi vẫn nhận được câu chào “Mingalaba” thân quen, được bôi kem Thanaka chống nắng, được nhìn thấy những đỉnh tháp thiêng vút cao lấp lánh trong ánh nắng chiều rực rỡ.
IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ KHÁCH SẠN MYANMAR GIÁ TỐT
1. Bagan Lodge
IVIVU.COM GỢI Ý MỘT SỐ TOUR DU LỊCH MYANMAR GIÁ TỐT
Xem thêm các bài viết:
Toà tháp xa xỉ nhất thế giới làm từ vàng và kim cương
Những điều ít người biết về Myanmar, nơi đàn ông mặc váy đi làm
Gọi ngay 1900 1870 (miền Nam), 1900 2045 (miền Bắc) hoặc 1900 2087 (Miền Tây) để được tư vấn khách sạn Myanmar với giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com
***
Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com