“Chưa đi Phuket coi như chưa đi Thailand, chưa đi Koh Phi Phi (đảo Phi Phi) coi như chưa đi Phuket”. Lời “tổng kết” nghe qua cũng biết là phóng đại nhưng nghĩ chắc cũng có cơ sở, chúng tôi rủ nhau cùng làm một chuyến “phượt” đến đảo Phi Phi vào đúng thời điểm nóng nhất của mùa hè, đầu tháng 8.
Cũng xin nói ngay, đây không phải là một bài báo quảng bá du lịch. Mà là một phóng sự mắt thấy tai nghe về cách tổ chức du lịch ở xứ người. Biết đâu nó cũng có ích cho ai đó, trông người mà ngẫm…
Chúng tôi hạ cánh tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok). Đây là sân bay quốc tế nên không có tuyến bay thẳng đến Phuket mà phải tới sân bay Don Muang (được Việt hóa thành “Đôn Mường” nghe rất chi là dân tộc!). Cả một buổi chiều còn trống, cả đoàn rủ nhau dọc ngang thăm Bangkok bằng sky train (xe điện trên cao).
Loại phương tiện này chạy cực nhanh mà giá cực rẻ, đi từ đầu này đến đầu kia thành phố cũng chỉ khoảng 50 bath (35.000 đồng VN). Tất cả các đại siêu thị ở Bangkok đều ở cạnh các ga sky train, xuống tàu không phải đi xuống đường mà có thể đi thẳng đường trên cao vào siêu thị. Các bà các cô sướng mê. Đây cũng là một trong những sự hấp dẫn khiến Thailand được mệnh danh là vương quốc bước chân vào chỉ có thể bước ra với ví rỗng.
Nơi không thấy người mặc đồng phục
Trên đường ra sân bay Don Muang, chúng tôi gặp một chàng lái taxi cực hoạt bát, tự giới thiệu là người Thái gốc Hoa. Anh chàng có hẳn một hộp thiếc đựng toàn tiền xu Thailand và luôn luôn lấy ra xóc lên rủng rẻng. Mục đích của việc làm này là gợi ý “còn tiền xu Thái thì mang về làm gì, cho tôi đi!”.
Nhưng không chỉ anh chàng này, nói chung, người Thái coi trọng từng đồng xu. Với những món hàng được đề giá 99 bath (ví dụ một cái áo phông có in những hình hay những câu ngộ nghĩnh), nếu bạn mua, người ta sẽ trả lại bạn đúng 1 bath không thừa không thiếu.
Chuyến bay từ Bangkok đến Phuket mất chừng 1 tiếng đồng hồ. Xuống sân bay, đã thấy ngay những quầy hướng dẫn tour và các tuyến giao thông. Đi xe từ sân bay đến bờ biển Phuket, xe buýt hết 180 bạt/ người, còn một chuyến xe taxi cho 4 người là 800 bạt (khoảng 560.000 đồng VN). Như vậy tính ra, nếu 4 người đi xe buýt cũng đã hết 720 bạt, giá gần tương đương.
Vừa đi, mọi người vừa tò mò kháo nhau tìm dấu vết của đợt sóng thần khủng khiếp đã dội vào đây tháng 12/ 2004. Gần 10 năm đã trôi qua, chẳng còn dấu tích gì của thảm họa.
Quãng đường hóa ra rất xa, đi gần 1 tiếng đồng hồ, mà xe chạy khá nhanh, có lúc chạy 100km/h, ước tính quãng đường phải tới gần 70km, như vậy chi phí không đắt. Điều đáng nói là nhân viên tại sân bay dẫn khách ra tận taxi, thái độ của tài xế rất cởi mở. Ông tài khoảng 50 tuổi, nhưng giao tiếp tiếng Anh khá thoải mái. Ông vui vẻ dạy đếm bằng tiếng Thái từ 1 đến 10 cho một cô khách trẻ tò mò ham học hỏi.
Khi chúng tôi từ bãi biển Phuket trở về sân bay, chủ khách sạn đã đặt trước taxi cho chúng tôi, giá vẫn 800 bạt. Và dù mưa tầm tã, xe vẫn đến cực kỳ đúng giờ. Với cách phục vụ chu đáo như thế, chẳng ai thấy tiếc 30 bạt tiền tip cả!
Nhưng đó là những dịch vụ tạm gọi là chính thống. Còn khi ở Bangkok, đi taxi hay tuk tuk Thai (loại xe 3 bánh, tựa như xe lam một thời ở ta, nhưng xịn hơn, được trang trí đèn nhấp nháy và sơn phết sặc sỡ) thì phải mặc cả. Đi tuk tuk phải biết đường để dễ mặc cả, giá cả khá linh tinh, nhưng cũng chỉ khoảng hơn 100 bat cho quãng đường 2-5 km, với 3-4 người thì cũng chấp nhận được.
Ở Thái Lan, các tour du lịch rất phong phú, nhưng với cùng một tour thì đăng ký ở đại lý hay ngay trong khách sạn, giá cả vẫn thế. Không có chuyện tâng giá hay bịa ra các loại phí. Từ khách sạn ra đảo Phi Phi mua vé 600 bath bao gồm cả xe mini bus đón ra bến tàu và vé tàu cao tốc đi ra đảo cách đất liền gần 60 km. Khi chúng tôi trở về, một tốp trong đoàn say sóng ngồi nghỉ quá lâu đã lỡ xe trở về trung tâm thành phố. Tưởng là phải gọi taxi, nhưng không, nhân viên bến tàu đã nhanh chóng gọi một xe 15 chỗ đến chỉ để chở 4 người về. Họ luôn tươi cười và nói: xin lỗi, đã không nhìn thấy quý vị nghỉ ở đâu để mời lên xe.
Phuket là một quần đảo với hơn chục đảo lớn nhỏ, nhưng lớn nhất là hai đảo Phi Phi Lek và Phi Phi Don (từ trên cao, hai đảo này giống như 2 chữ P, nên mới được đặt tên quốc tế hóa là PP). Tàu cặp bến Phi Phi Don, ngay từ cầu tàu đã thấy các loại du thuyền, ca nô phục vụ lặn biển sặc sỡ sắc màu. Mỗi du khách phải nộp 20 bath, phí làm vệ sinh trên đảo. Đây là loại phí duy nhất phải nộp ở đảo Phi Phi.
Phi Phi Don là hòn đảo dày đặc các nhà nghỉ, các bungalow (nhà có một tầng gác, ở đây thực tế là các nhà sàn) thế nhưng không có ai níu kéo, dành khách. Du khách nếu chưa đặt sẵn nơi nghỉ thì cứ vào 1 trong 3 nơi đón tiếp hướng dẫn ngay cạnh cầu tàu. Nhân viên sẽ giới thiệu tất cả những gì khách muốn biết, từ giá cả, dịch vụ, từ nhà nghỉ đó đi đến đâu gần nhất… Khi đã lựa chọn xong phòng nghỉ, sẽ có một thanh niên nước da đen cháy giúp mang hành lý bằng một xe giống như chiếc xe cải tiến ở Việt Nam nhưng to hơn. Điều đáng nói là từ nhân viên hướng dẫn đến người phục vụ đều không mặc một thứ đồng phục nào hết, nơi đón tiếp cũng không có những tấm biển gợi đến thủ tục hành chính.
Tưởng rằng “thiếu quy củ” nhưng không phải, chính cách làm này khiến du khách cảm thấy hết sức thân thiện, bởi “đi nghỉ, chứ đâu phải đi làm giấy tờ thủ tục cơ chứ?”- Một người cùng đoàn chúng tôi thốt lên đầy cảm thán.
Mặc dù thấy có chỉ dẫn trụ sở cảnh sát trên đảo, nhưng trong những ngày ở đây, không bao giờ chúng tôi thấy một nhân viên cảnh sát nào. Nói chung, ở đây không thấy người mặc đồng phục.
Tiệm ăn dán tiền trên tường
Tại sân bay Phuket, tình cờ chúng tôi để ý đến một tiệm ăn nhỏ có mặt ngay trong khuôn viên sân bay, ngay gần cửa ra số 66. Nói nhỏ vì nó chỉ khoảng 80 m2. Trên tường tiệm ăn chi chít những họa tiết lạ mắt. Vào trong mới biết toàn bộ tường của tiệm ăn được du khách dán đầy lên những đồng tiền lẻ. Có thể thấy ở đây, ngoài đồng Baht Thái, đồng nhân dân tệ (Trung Quốc), đồng rupee của Ấn Độ, có khá nhiều những đồng tiền giấy của các nước trong khu vực Đông Nam Á như đồng dollar Brunei và dollar Singapore; đồng rupiah (Indonesia), đồng ringgit (Malaysia), đồng peso (Philippines); đồng riel (Campuchia); Nhưng rất ít gặp ở đây đồng centavo (Đông Timor), đồng kip (Lào); đồng kyat (Myanmar)… Tiền Việt Nam đồng cũng rất hiếm, nhưng nếu nói hiếm thì ngay cả Dollar Mỹ và tiền Euro cũng hiếm. Đoàn chúng tôi thi nhau đi tìm những chỗ trống để dán những đồng tiền nhỏ lên tường làm kỷ niệm. Nhưng tìm được chỗ trống thật vất vả, dù tính diện tích tường thì cũng phải tới trên 200 m2.
Hỏi cô gái đang ngồi ở quầy tính tiền, cô cho biết sáng kiến khuyến khích du khách dán tiền lẻ lên tường đã có từ cách đây khoảng 5 năm. Rất tiếc, lúc đó đã tối muộn, chúng tôi không thể gặp được người quản lý nhà hàng. Chỉ biết, từ khi trên các bức tường dán tiền, lượng khách đến với quán này nhiều hơn – cô thu ngân tươi cười tiết lộ.
Từ tháng 6 tới tháng 8, Phuket luôn chật kín du khách và đây cũng là thời điểm các dịch vụ ở Phukhet hạ giá thấp nhất để hút khách.
Dịch vụ lặn ở Phuket nổi tiếng thế giới. Có hàng chục điểm lặn xung quanh quần đảo này. Dùng lời để tả sự thú vị của thú chơi này thì thật vô nghĩa. Điều mà chúng tôi lại phải thán phục là dù giá cả không rẻ, nhưng họ tổ chức dịch vụ đưa đón, ăn nhẹ, nước uống, bảo vệ, bảo hiểm rất tuyệt vời. Và dù mua tour ở đảo hay mua trước từ đất liền thì giá vẫn như nhau.
Không phải mọi thứ đều tuyệt như quảng cáo
Nhưng, nói vậy không phải ở nơi được mệnh danh là thiên đường du lịch này, mọi thứ đều tốt. Chúng tôi cũng được dịp đến thăm đảo 007 (tên cũ là Ko Ping Kan, từ khi được chọn là hậu trường phim “Ngươi đàn ông với khẩu súng lục vàng” (The Man With Golden Gun – năm 1972) trong serie phim 007 được đổi tên). Còn vịnh Maya chính là nơi tài tử Hollywood Leonardo DiCaprio từng đóng phim “The Beach” khá nổi tiếng vào năm 1999. Người Thailand rất khéo kích động trí tò mò của du khách khi nhắc đến những cái tên nổi tiếng. Thực tế, đảo 007 chẳng có gì hấp dẫn. Còn vịnh Maya thua xa vịnh Hạ Long.
Trên các trang mạng và những thông tin quảng cáo tour du lịch thường nói bãi biển ở đây sạch nhất thế giới, nhưng thực tế, biển ở đảo Phi Phi Don rất nông và có khá nhiều dị vật lềnh bềnh trôi. Đã thế, đáy biển lại có khá nhiều đá ngầm. Một bạn trong đoàn nổi hứng bơi lội đã quạt tay phải đá ngầm chảy máu.
Trong làng du lịch, tại các hàng quán khá giống chợ cóc của Việt Nam, có khá nhiều ruồi. Ngay giữa làng, một con kênh không được sạch sẽ lắm lờ đờ chảy. Nhưng người ta đã trang trí đoạn bờ kênh nhiều người qua lại nhất bằng cách đắp những tượng con thú khá vui mắt, và không thể thiếu con voi, là hình ảnh đặc trưng của Thailand.
Một sự lạ nữa, ở nơi giữa biển này lại không hề nhiều hải sản tươi rói như ở Việt Nam. Một người dân địa phương cho biết, dân ở đây tất cả làm du lịch, hiện chẳng còn ai đi đánh cá nên hải sản phải nhập từ nơi khác về.
Nhưng mặc lòng, đa số khách du lịch đến đây đều có vẻ thỏa mãn. Phải nói người Thái kiếm tiền từ du lịch giỏi.
***
Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com – Theo: Tiền phong