Việt Nam – điểm dừng chân thứ 97 của anh chàng Israel

16:15 06/02/2014

Trong 9 năm, anh Peleg Cohen, người Israel, đã đi qua 96 quốc gia trên khắp các châu lục thế giới chỉ bằng cách đi nhờ xe và ở nhờ. Việt Nam là điểm dừng chân thứ 97 và anh dự kiến sẽ ở lại đây trong vòng 1 tháng.

Peleg Cohen sinh năm 1983 tại Nahariyya, một thành phố của Israel. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Peleg đã nhập ngũ trong 3 năm. Khi rời quân đội, khác với nhiều thanh niên Israel đi du lịch trong vòng 6 tháng tại nhiều nước, Peleg đã đi liền trong 1 năm đến Nepal, Thái Lan, Lào, Australia, New Zealand… Khi về nước cũng là lúc chiến tranh giữa Israel với Liban nổ ra, anh lại xung quân ngũ trong 1 tháng.

vn 1

Việt Nam là điểm dừng chân thứ 97 trong hành trình của Peleg.

Peleg tự nhận mình là người “không được học hành, không có nhà cửa”. Hành trang của Peleg chỉ là một chiếc ba lô đã sờn rách nặng 13 kg. Peleg cho biết, anh là người ăn chay, phần lớn di chuyển bằng cách đi nhờ xe và tá túc tại nhà bạn bè khắp nơi trên thế giới. Tính đến nay, anh đã ở nhờ tại hơn 100 gia đình trên trang Couch Surfing (ở trọ miễn phí) và được họ giới thiệu tới nhiều gia đình khác nữa.

vn 2

Bức ảnh đêm giao thừa tại Hà Nội được đăng tải trên facebook của anh.

Để kiếm tiền chi trả visa, ăn uống, anh dừng chân lại kiếm việc làm để có tiền đi tiếp như định cư ở Nam Phi trong 1 năm, ở Canada trong 6 tháng và Australia trong 4 tháng. Peleg làm đủ mọi nghề đơn giản như dọn tuyết, thiết kế vườn, phục vụ nhà hàng… Thậm chí qua nhiều quốc gia, anh tận dụng cơ hội để kinh doanh như mang dầu làm tranh sơn dầu từ Trung Quốc sang Nam Phi, mang muối biển từ Israel đến bán ở nhiều đất nước khác, số tiền kiếm được dành dụm làm lộ phí trên đường.

vn 3

Hòa mình vào màn pháo hoa đêm giao thừa.

Rong ruổi qua nhiều quốc gia, Peleg cho biết anh chưa có ý định định cư lâu dài tại đâu, sau khi rời Việt Nam, anh sẽ đi Campuchia, Myanmar, Phillippine cho trọn vẹn 100 quốc gia, rồi sau đó mới tính chặng đường tiếp theo.

vn 4

Peleg trên sa mạc Gobi (Mông Cổ).

“Mong muốn của tôi là đi được khắp nơi trên thế giới, tôi muốn cổ vũ tinh thần du lịch trên thế giới vì nhiều người thích đi song không phải ai cũng có thể đi được”, Peleg nói.

vn 5

Anh đã có mặt tại Hạ Long.

Chàng trai người Do Thái cho biết, anh sẽ ở Việt Nam trong 1 tháng với hành trình Hà Nội, Sapa, Hạ Long, Hội An, TP HCM. Anh cũng ấn tượng với con người Việt Nam vì tính tình cởi mở, thân thiện, nhiều người sẵn sàng giúp đỡ anh dù họ không biết tiếng Anh. Peleg cũng thích đi bộ trên những con phố cổ được trang hoàng rực rỡ vào ngày Tết.

“Sapa rất đẹp với nhiều núi non trập trùng song tôi thoáng buồn khi gặp trẻ em đòi 1 USD khi thấy tôi định chụp 1 bức ảnh”, Peleg bày tỏ.

vn 6

…và Sapa.

Trang facebook mang tên Lonely Peleg của anh hiện có hơn 12.000 người theo dõi, được Peleg chia sẻ nhiều hình ảnh, kinh nghiệm trên mỗi chặng đường. Anh cũng nhận được nhiều hỗ trợ của bạn bè cho hành trình của mình.

Mới đây, cũng có một cặp vợ chồng người Đức Alex và Jana đạp xe du lịch vòng quanh thế giới và họ đã dừng chân tại Việt Nam. Họ đã đưa ra những nhận xét về đất nước Việt Nam xinh đẹp.

“Mỗi một đất nước đều có cảnh đẹp rất khác nhau nên khó có thể nói được nơi nào đẹp hơn”, Alex nói. Anh rất thích đạp xe ở núi rừng phía bắc Việt Nam giữa thiên nhiên bao la. Nhiều người Việt Nam cũng rất thân thiện, từ xa đã vẫy chào vợ chồng anh.

vn 7

Jana đạp xe trên một cung đường.

Đến Hà Nội, họ đã tham quan nhiều danh thắng như hồ Hoàn Kiếm, Hồ Tây, phố cổ Hà Nội, Văn Miếu… Alex cũng rất thích những món ăn vỉa hè ở Hà Nội và gọi những hàng cơm bụi là “buffet đường phố”.

“Tôi muốn hành trình được tiếp tục mãi, mỗi quốc gia đem lại cho tôi những trải nghiệm thật thú vị”, Jana nói.

Nói về khác biệt văn hóa, Alex nhận xét, ở châu Âu, mọi người thường vay tiền đi du lịch, còn tại Việt Nam mọi người thường tích lũy tài sản cá nhân hơn là dành tiền đi du lịch. Theo anh, giới trẻ Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn nữa cho du lịch và học tập hơn là mua sắm cá nhân để trải nghiệm nhiều hơn, không hối tiếc khi về già.

Xem thêm bài viết:

 

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này!)
Loading...