Du lịch Ninh Bình thưởng ngoạn 10 điểm đến ‘non nước hữu tình’ nhất trời Nam

17:01 31/12/2015

Với vị trí đặc biệt về giao thông, địa hình, lịch sử văn hóa đồng thời sở hữu 2 khu vực là di sản thế giới và khu dự trữ sinh quyển thế giới, Ninh Bình là tỉnh có tiềm năng du lịch phong phú và đa dạng.

Du lịch Ninh Bình thưởng ngoạn 10 điểm đến ‘non nước hữu tình’ nhất trời Nam

iVIVU.com giới thiệu đến các bạn tất tần tật những địa danh du lịch Ninh Bình mà bạn có thể tham quan.

1. Chùa Bái Đính

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như: chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á; chùa có tượng Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á,…

Chánh điện chùa Bái Đính.

Chánh điện chùa Bái Đính. Ảnh: ST

Du lịch Ninh Bình ghé chùa Bái Đính, du khách sẽ được tham quan hang sáng, động tối, đền thờ Thánh Nguyễn, đền thờ thần Cao Sơn, Giếng Ngọc.

Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam.

Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam. Ảnh: ST

2. Tràng An

Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An thuộc tỉnh Ninh Bình. Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tràng An vốn được gọi là thành Nam của kinh đô Hoa Lư xưa, nay là cố đô Hoa Lư. Tràng An với hệ thống dãy núi đá vôi có tuổi địa chất khoảng 250 triệu năm, qua thời gian dài phong hóa bởi sự biến đổi của trái đất, khí hậu, biển tiến, biển thoái đã mang trong mình hàng trăm thung lũng, hang động, hồ đầm. Trong danh thắng này còn có nhiều hệ sinh thái rừng ngập nước, rừng trên núi đá vôi và các di tích gắn với lịch sử của kinh đô Hoa Lư xưa.

Danh thắng Tràng An.

Danh thắng Tràng An. Ảnh: ST

Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây… Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh. Hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ. Hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ. Hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn. Trong hang có mạch nước ngầm sâu hơn 10 m. Tương truyền, các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua, khi nạo vét lòng hang các nhà khảo cổ đã phát hiện rất nhiều bình gốm, hũ, vại và các dụng cụ để nấu rượu. Vòng qua hang núi Cơm, sang hang Vồng, ở đây có cây si cổ thụ rễ chùm cả miệng hang. Từ đây sang hang Láng, hang Ao Trai, giữa hang Ao Trai, lòng hang phình ra khoảng 30m. Hang động Tràng An có những nét đặc trưng nổi bật của một khu di sản với bốn loại hang động chính: Hang Ngầm cổ, hang nền Karst cổ, hang Mái Đá và hang Hàm Ếch. Ngoài ra còn có các hang động được công nhận là di tích khảo cổ học: hang Trống, hang Bói, Mái đá Thung Bình, hang Mo, hang Cò, hang Trâu, hang Hũ Ngoài, hang Hũ Trong…

du-lich-ninh-binh-thuong-ngoan-10-diem-den-non-nuoc-huu-tinh-nhat-troi-nam-ivivu-4

Ảnh: ST

3. Cố đô Hoa Lư

Cố đô Hoa Lư là quần thể di tích quốc gia đặc biệt quan trọng đồng thời là 1 trong 4 vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Khu di tích lịch sử Cố đô Hoa Lư hiện nay có diện tích quy hoạch 13,87 km² thuộc tỉnh Ninh Bình. Với bề dày thời gian hơn 1000 năm, Cố đô Hoa Lư là nơi lưu trữ các di tích lịch sử qua nhiều thời đại.

du-lich-ninh-binh-thuong-ngoan-10-diem-den-non-nuoc-huu-tinh-nhat-troi-nam-ivivu-5

Cố đô Hoa Lư. Ảnh: ST

Đến cố đô Hoa Lư, du khách có thể viếng thăm đền Vua Đinh Tiên Hoàng, đền Vua Lê Đại Hành, nhà bia Vua Lý Thái Tổ, đình Yên Thành và chùa Nhất Trụ, đền thờ công chúa Phất Kim, phủ Vườn Thiên, lăng vua Đinh, lăng vua Lê.

du-lich-ninh-binh-thuong-ngoan-10-diem-den-non-nuoc-huu-tinh-nhat-troi-nam-ivivu-6

Ảnh: ST

4. Nhà thờ Phát Diệm

Nhà thờ chính tòa Phát Diệm (thường gọi là Nhà thờ đá Phát Diệm) là một quần thể nhà thờ Công giáo rộng khoảng 22 ha, nằm tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ về kiến trúc nhà thờ Phát Diệm để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ Phát Diệm là di sản văn hóa thế giới. Nhà thờ đá Phát Diệm được báo chí đánh giá là một trong những nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, được ví như “kinh đô công giáo” của Việt Nam.

du-lich-ninh-binh-thuong-ngoan-10-diem-den-non-nuoc-huu-tinh-nhat-troi-nam-ivivu-7

Nhà thờ Phát Diệm. Ảnh: ST

Đây là một công trình lớn, là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm rộng lớn ở phía bắc Việt Nam. Nhà thờ được xây dựng toàn bằng đá và gỗ. Nhà thờ Phát Diệm được khởi công vào năm 1875 và đến năm 1898 thì cơ bản hoàn thành. Nét độc đáo của công trình này ở chỗ: mặc dù là nhà thờ Công giáo nhưng được mô phỏng theo những nét kiến trúc đình chùa truyền thống của Việt Nam. Quần thể kiến trúc này được chủ trì xây dựng dần dần bởi linh mục Phêrô Trần Lục (còn gọi là cụ Sáu – linh mục ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865) và các giáo dân Công giáo trong hơn 30 năm.

Kiến trúc bên trong nhà thờ.

Kiến trúc bên trong nhà thờ. Ảnh: ST

5. Tam Cốc

Tam Cốc, có nghĩa là “ba hang”, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả ba hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Tam Cốc là tuyến du thuyền được khai thác đầu tiên ở khu du lịch Tam Cốc – Bích Động. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một quả núi lớn, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang khí hậu khá mát và có nhiều nhũ đá rủ xuống với muôn hình vạn trạng. Hang Hai, cách hang Cả gần 1 km, dài 60 m, trần hang có nhiều nhũ đá rủ xuống rất kỳ lạ. Hang Ba, gần hang Hai, dài 50 m, trần hang như một vòm đá, thấp hơn so với hai hang kia.

Tam Cốc bí ẩn.

Tam Cốc bí ẩn. Ảnh: ST

Muốn thăm Tam Cốc, du khách xuống thuyền từ bến trung tâm. Thuyền đưa du khách trên dòng sông Ngô Đồng uốn lượn qua các vách núi, hang xuyên thuỷ, cánh đồng lúa. Thời gian đi và trở lại khoảng 2 giờ. Phong cảnh Tam Cốc, nhất là 2 bên dòng sông Ngô Đồng có thể thay đổi theo mùa lúa (lúa xanh, lúa vàng hoặc màu bạc của nước trên cánh đồng).

Dòng sông Ngô Đồng mùa lúa chín.

Dòng sông Ngô Đồng mùa lúa chín. Ảnh: ST

6. Nam thiên đệ nhị động: Bích Động

Bích Động nằm cách bến Tam Cốc 2 km, có nghĩa là “động xanh”, là tên do tể tướng Nguyễn Nghiễm, thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du đặt cho động năm 1773. Đây là một trong những thắng cảnh nằm trong nhóm được người xưa gọi là “Nam thiên đệ nhất động”, cụ thể Bích Động được mệnh danh là “Nam thiên đệ nhị động” tức động đẹp thứ nhì trời Nam, đứng sau động Hương Tích (Nam thiên đệ nhất động) ở Hương Sơn và đứng trước động Địch Lộng (Nam thiên đệ tam động) ở Kẽm Trống. Phía trước động là một nhánh sông Ngô Đồng uốn lượn bên sườn núi, bên kia sông là cánh đồng lúa. Chùa Bích Động là một ngôi chùa cổ gắn với núi đá mang đậm phong cách Á Đông. Chùa được dựng từ đầu đời nhà Hậu Lê. Trong chùa có quả chuông lớn đúc từ thời vua Lê Thái Tổ, mộ tháp các vị hòa thượng có công xây dựng chùa. Thời Lê Hiển Tông (1740-1786) chùa được trùng tu mở rộng thêm, bao gồm Chùa Hạ, Chùa Trung, Chùa Thượng, trải ra trên ba tầng núi.

Nam thiên đệ nhị động

Nam thiên đệ nhị động. Ảnh: ST

Xuyên Thủy động là một động tối và ngập nước nằm dọc theo chiều dài Bích Động. Xuyên Thủy động như 1 đường ống hình bán nguyệt bằng đá dài khoảng 350 m uốn lượn từ phía Đông sang phía Tây. Bình quân bề rộng của Xuyên Thủy động là 6m, chỗ rộng nhất là 15 m. Trần và vách động thường bằng phẳng, tạo hoá như xếp từng phiến đá lớn thành mái vòm cung, bán nguyệt với muôn hình vạn trạng. Lối vào Xuyên thủy động ở phía sau núi, đối diện với đường vào Bích Động. Tại điểm kết thúc hành trình xuyên thủy động, du khách có thể leo núi để tới động và chùa Bích Động.

Chùa Bích Động.

Chùa Bích Động. Ảnh: ST

7. Nam thiên đệ tam động: Địch Lộng

Động – chùa Địch Lộng là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia thuộc xã Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình, là quần thể di tích danh thắng gồm có đình đá (có 16 cột đá nguyên khối); đền thờ Lý Quốc Sư; hồ bán nguyệt, 5 tháp cao ba tầng và ba gian chùa Hạ.

Chùa Địch Lộng.

Chùa Địch Lộng. Ảnh: ST

Từ chùa Hạ qua Phủ Đức Ông, tiếp tục leo lên thêm 105 bậc đá nữa sẽ đến hang động mà trên cửa động đề 6 chữ: “Nham Sơn động, Cổ Am tự”. Hai bên cửa động có hai tượng Hộ Pháp và tại mái vòm hang đá cao 8 mét treo quả chuông nặng gần một tấn được đúc từ thời nhà Nguyễn. Sân trước động có phủ thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, phủ thờ Đức Thánh Mẫu; hai giếng ngọc quanh năm đón những giọt nước từ nhũ đá liên tục nhỏ xuống mát rượi và tượng ông Thiện, ông Ác cưỡi trên sư tử. Đứng tại sân này, phía bên phải là chùa mà với mái là vòm hang cao khoảng 20 m, sâu khoảng 30 – 40 m và có khá nhiều tượng được sắp xếp từ ngoài vào trong, từ thấp lên cao, đặc biệt là 3 pho tượng Tam Thế Phật sơn son thếp vàng được ban vào thời vua Thiệu Trị và tượng Phật Bà Quan Âm, tượng A Di Đà được tạc bằng đá xanh nguyên khối.

du-lich-ninh-binh-thuong-ngoan-10-diem-den-non-nuoc-huu-tinh-nhat-troi-nam-ivivu-14

Ảnh: ST

8. Khu du lịch sinh thái Thung Nham

Vườn chim Thung Nham.

Vườn chim Thung Nham. Ảnh: ST

Khu du lịch sinh thái Thung Nham là một trong những tuyến điểm du lịch thuộc vùng lõi của quần thể di sản thế giới Tràng An. Vùng du lịch này thuộc thung đồi Hải Nham với điểm nhấn chính là vườn Chim tự nhiên và các điểm du lịch hang động tiêu biểu như: động Vái Giời, động Tiên Cá, động Thủy Cung, hang Bụt, động Ba Cô, thung lũng Tình Yêu, Cây Đa Di Chuyển, Miệt Vườn

Chim bay rợp trời.

Chim bay rợp trời. Ảnh: ST

9. Vườn quốc gia Cúc Phương

Vườn quốc gia Cúc Phương là một địa điểm du lịch nổi tiếng về sinh thái, môi trường. Cúc Phương thu hút khoảng vài trăm nghìn lượt khách hàng năm. Du khách đến đây để khám phá hệ động thực vật phong phú, chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên đẹp, tham gia các chương trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, lửa trại, mạo hiểm, nghiên cứu và văn hóa lịch sử. Trung tâm vườn đặt tại xã Cúc Phương, Nho Quan, Ninh Bình.

Vườn Quốc Gia Cúc Phương.

Vườn Quốc Gia Cúc Phương. Ảnh: ST

Trong khuôn viên rừng có một số tuyến điểm du lịch sau: Động Người Xưa, hang Con Moong, động Trăng Khuyết, động Sơn Cung, động Phò Mã, động Thủy Tiên, Đỉnh mây bạc, hồ Yên Quang, động Phò Mã …

Nhiều thú hoang dã quý hiếm.

Nhiều thú hoang dã quý hiếm. Ảnh: ST

10. Khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long

Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn. Vân Long được mệnh danh là “vịnh không sóng” vì khi đi trên thuyền trên đầm, du khách sẽ thấy mặt nước phẳng như một tấm gương khổng lồ. Bức tranh thuỷ mặc phản chiếu rõ từng nét tạc mạnh mẽ của những khối núi đá vôi mang hình dáng đúng với tên gọi như núi Mèo Cào, núi Mâm Xôi, núi Hòm Sách, núi Đá Bàn, núi Nghiên, núi Mồ Côi, núi Cô Tiên… Tuy nhiên, mặt nước ở đây nước không có màu xanh của biển, mà trong vắt hiện rõ nét những lớp rong rêu dưới đáy.

Vịnh không sóng Vân Long.

Vịnh không sóng Vân Long. Ảnh: ST

Khu Vân Long có 1000 hang động đẹp, nhiều hang động lớn có giá trị phát triển du lịch như: Hang Cá, hang Bóng, hang Rùa, hang Chanh. Riêng hang Cá là hang xuyên thủng dài 250 m, cao 8 m, rộng 10 m là một động rất đẹp. Đây là nơi quần tụ, sinh sản của loài cá trê, cá rô, cá chuối. Hang Bóng là một hang động đẹp dài hơn 100m, hang Duối 4 tầng, hang Cánh Cổng…

Mặt nước có rất nhiều rong rêu phát triển.

Mặt nước có rất nhiều rong rêu phát triển. Ảnh: ST

Theo iVIVU.com

ĐẶT PHÒNG KHÁCH SẠN NINH BÌNH GIÁ CHỈ TỪ 270.000 VND

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (3 lượt, 3,67 điểm trên 5)
Loading...