Top 6 nữ du khách vĩ đại nhất mọi thời đại

19:00 08/03/2015

Tháng 3, đặc biệt là 8/3, được biết đến là Ngày của Phụ nữ trên toàn thế giới, và đây chính là thời điểm tuyệt vời để tôn vinh những người phụ nữ. Dưới đây là danh sách 6 nữ du khách được cho là… vĩ đại nhất mọi thời đại, những người đã vượt qua những chuẩn mực của xã hội để lên đường du lịch châu Á, đến những lục địa khác nhau trên thế giới, những vùng đất nguy hiểm, thậm chí là băng qua cao nguyên Tây Tạng hiểm trở…

Có thể nói, họ là những nữ du khách vô cùng dũng cảm, những người đã du lịch bằng cách đi bộ, bằng lạc đà, lừa,… hay bằng bất cứ hình thức nào có thể.

1. Isabella Bird (1831 – 1904, người Anh)

Isabella Bird ở Tây Tạng

Isabella Bird ở Tây Tạng. Ảnh minh họa: frau-auf-reisen.de

Ban đầu, Isabella Bird chỉ lên đường du lịch như một cách để chữa bệnh tật. Bà đi du lịch hầu như tất cả các nước ở châu Á, từ Nhật Bản, Trung Quốc, đến Hàn Quốc, Ấn Độ, thậm chí là Tây Tạng, Malaysia, Ba Tư và cả Kurdistan (Iraq). Trong suốt chuyến du lịch của mình, bà hầu như là ngồi trên lưng ngựa, viết bài gửi cho tạp chí, và cuối cùng viết cuốn sách dựa trên những bức thư gửi cho cô em gái ở nhà. Sau đó, bà đã trở thành một nhà truyền giáo và là người phụ nữ đầu tiên được giới thiệu vào Hội Địa lý Hoàng gia (Royal Geographical Society). Trong cuốn sách của mình (The Yangtze Valley and Beyond), Bird đã kể lại hành trình nguy hiểm năm 1897 trên đường vượt sông Dương Tử và khắp Tứ Xuyên của mình, rằng bà đã đi du lịch bằng thuyền, lạc đà, hay đi bộ,… như thế nào. Bà chết vào năm 72 tuổi, lúc đó bà đã sẵn sàng hành lý cho một chuyến du lịch Trung Quốc.

2. Gertrude Bell (1868 – 1926, người Anh)

Gertrude Bell trong buổi cắm trại ở Iraq, 1922.

Gertrude Bell trong buổi cắm trại ở Iraq, 1922. Ảnh: inspiral.ly

Có thể có bất cứ điều gì mà người phụ nữ này chưa từng làm qua? Tại các thời điểm khác nhau trong sự nghiệp của mình, Bell là một khách du lịch, nhà văn, điệp viên, nhà ngoại giao, nhà khảo cổ học và ngôn ngữ học, và đôi khi đảm nhiệm tất cả cùng một lúc. Xuất thân từ trường Oxford, bà đã trở thành một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu của Anh về Ả Rập và đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết lập nên quốc gia Iraq hiện đại, nơi bà được chôn cất. Trong các hành trình du lịch của mình, Bell đã rong ruổi khắp nơi, đến những vùng sa mạc của Ả Rập trên lưng lạc đà, kết bạn mới, tham gia khai quật khảo cổ học, tích cực tìm tòi, khai phá các nền văn hóa khác nhau. Bà đã lập Bảo tàng Khảo cổ học Baghdad để bảo tồn nền văn hóa Arab. Ngoài ra, bà còn viết văn, ghi lại những cảm nhận thú vị ở những nơi mình đi qua. Bà chết vào tháng 7/1926.

3. Alexandra David-Neel (1868 – 1969, Pháp/Bỉ)

Alexanrda David Neel đã dành 14 năm ở Tây Tạng để nghiên cứu Phật giáo Mật tông.

Alexanrda David Neel đã dành 14 năm ở Tây Tạng để nghiên cứu Phật giáo Mật tông. Ảnh: Wikimedia commons

Người phụ nữ này đã có một hành trình du lịch đến Ấn Độ, tiến hành việc nghiên cứu Phật giáo trong một hang động ở Sikkim, gần biên giới với khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc. Chuyến đi đã làm biến đổi hoàn toàn cuộc sống và sự nghiệp của bà. Bà đã viết hơn hai chục cuốn sách về kinh nghiệm của mình ở Tây Tạng và Phật giáo, bao gồm My Journey to Lhasa (Tạm dịch Hành trình của tôi đến Lhasa), trong đó miêu tả tỉ mỉ hành trình xâm nhập của bà vào những thành phố linh thiêng, những nơi hiện đã trở thành nơi cấm người nước ngoài.

Có thể nói, Alexandra David Néel chính là một nhà nữ thám hiểm và nhà văn người Pháp chuyên viết về Phật giáo và triết học phương Đông. Cuốn Mystiques et Magiciens du Tibet (Huyền thuật và những đạo sĩ huyền thuật Tây Tạng) của bà đã trở thành một trong những tác phẩm kinh điển cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về Tây Tạng, và đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các nhà nghiên cứu Phật giáo ở phương Tây như Alan Watts, Allen Ginsberg, Anagarika Govinda…

4. Freya Stark (1893 – 1993, người Anh)

Freya Stark, tháng 3/1975.

Freya Stark, tháng 3/1975. Ảnh: Malcolm Bell Jr

Tỉnh dậy hoàn toàn đơn độc trong một thị trấn xa lạ là một trong những cảm xúc tuyệt vời nhất trên thế giới. – Freya Stark, nhà nghiên cứu Ả rập người Anh Freya Stark đã viết trong cuốn Đôi nét về Baghdad như vậy.

Được mệnh danh là “du khách lãng mạn cuối cùng” của Tạp chí Times ở London, Anh, Stark đã viết hơn 30 cuốn sách biên niên ký của mình khắp hành trình chinh phục Trung Đông. Trong số những chuyến đi vất vả đầy hiểm nguy của bà là cuộc hành trình tới trung tâm thung lũng Assassins của Iran, một phong cảnh như là điềm báo đã củng cố tình yêu của bà đối với mục tiêu cá nhân mà chuyến đi có thể mang lại.

“Sự cô độc, như tôi đã phản ánh, là một sự cần thiết bí ẩn của tâm hồn con người với sự nhận thức tương xứng không bao giờ được lan truyền”, bà viết. Sự hài hước và những ghi chép có tính xác thực của Stark về những hành trình của bà tới Syria, Iran, Iraq, Kuwait, Yemen, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ, và Afganistan được xem như cẩm nang không thể thiếu cho mỗi nhà du hành để thám hiểm – đặc biệt khi đi du lịch bằng lừa là một giải pháp.

Cuốn sách làm nên tên tuổi của Bà chính là cuốn The Valleys of the Assassins (1934).

5. Ella Maillart (1903 – 1997, Thụy Sĩ)

Ella K. Maillart (phải) cùng với Annemarie Schwarzenbach trên đường du lịch đến vùng Bắc Afghanistan.

Ella K. Maillart (phải) cùng với Annemarie Schwarzenbach trên đường du lịch đến vùng Bắc Afghanistan. Ảnh: Restlessbooks.com

Được biết đến là nữ vận động viên thể thao, nhà văn, nhiếp ảnh gia và nhà báo Thụy Sĩ, Maillart chính thức “nổi tiếng” sau khi cho xuất bản cuốn sách Forbidden Journey, kể về hành trình chinh phục Trung Quốc của mình trong năm 1935. Bà đã trình bày chi tiết các chuyến đi của mình trong cuốn sách. Chưa kể, sau đó, Maillart còn kể thêm về hành trình chinh phục Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Iran và Afghanistan, đồng thời xuất bản cuốn sách ảnh về Nepal và Tây Tạng; trở thành hướng dẫn viên các tour du lịch văn hóa trên khắp châu Á. Tại Bảo tàng Elysee ở Lausanne, Thụy Sĩ thậm chí còn cho triển lãm các tác phẩm ảnh của bà.

6. Dervla Murphy (1931, Ailen)

Dervla Murphy.

Dervla Murphy. Ảnh: Telegraph

Dervla Murphy, nữ du khách nổi tiếng người Ireland đã từng nói: “Ngoài những người Tây Tạng, tôi chưa bao giờ gặp những người bản địa nào đáng mến như người Malagasy”. Nữ y tá người Ailen này đã bắt đầu sự nghiệp du lịch của mình từ năm 1963 với tour du lịch solo bằng chiếc xe đạp qua châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Pakistan, Afghanistan và Ấn Độ, và kể lại tất cả trong cuốn sách đầu tiên của mình: Full Tilt: Ireland to India with a Bicycle (Tạm dịch: Từ Ireland đến Ấn Độ bằng xe đạp). Cũng kể từ đó, bà đã viết tổng cộng hơn 20 cuốn sách du ký qua các vùng đất như Ấn Độ, Nepal, Baltistan, Lào, khu vực Balkan và một số nước châu Phi (phần lớn là bằng xe đạp).

Bạn có thể biết đến Murphy qua cuốn sách bestseller của New York Times: Ba Tách Trà. Cuốn sách sẽ cho bạn biết vào hai thập niên trước, một nữ y tá người Ireland tên là Dervla Murphy đã bỏ qua lời khuyên khôn ngoan của những nhà thám hiểm dày dạn kinh nghiệm, và đã băng ngang Karakoram giữa mùa đông, trên lưng ngựa, với đứa con gái năm tuổi của bà như thế nào, để từ đó thêm kính trọng bà hơn.

Theo Worldhum.com

Đặt khách sạn trực tuyến tại iVIVU.com tiết kiệm đến 75%

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (2 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...