Thưởng thức 10 ‘đặc sản’ không thể bỏ qua khi du lịch miền Tây

10:20 05/04/2016

Nếu bạn đang lên kế hoạch cho một chuyến đi miền Tây mùa nước nổi thì hãy chắc chắn rằng hành trình của bạn có đủ thời gian trải nghiệm hết 10 “đặc sản” mà iVIVU.com liệt kê dưới đây nhé.

Thưởng thức 10 ‘đặc sản’ không thể bỏ qua khi du lịch miền Tây

Nhiều người đam mê du lịch đã thừa nhận rằng, dù đến bất cứ nơi nào cũng không thể khiến họ có thể cảm thấy ấm lòng nhiều như ở miền Tây Nam Bộ. Bởi miền Tây thu hút du khách không chỉ bởi những khung cảnh yên bình mà hơn hết là cái tình người quá sức thân thiện của người dân nơi đây.

1. Dậy sớm đi chợ nổi

Ảnh: Phanthoailinh

Ảnh: Phanthoailinh

Ở Việt Nam, chợ nổi là nét văn hóa đặc thù của vùng sông nước miền Tây. Chợ họp trên sông, giữa một vùng sông nước bao la là hàng trăm ghe, thuyền, xuồng của cư dân. Chợ họp cả ngày, nhưng thường nhộn nhịp nhất vào buổi sáng. Trên thuyền chất đầy hàng hóa, phổ biến là các loại trái cây. Nét riêng của các thuyền là trên mỗi thuyền có một vài cây sào, trên đó treo lủng lẳng các loại sản phẩm mà mình có bán (người địa phương gọi là cây bẹo). Cho nên khách hàng chỉ cần nhìn vào cây sào đó là có thể biết trên thuyền, ghe đó có thứ mình cần hay không.

Ảnh: phanthoailinh

Ảnh: phanthoailinh

Thông thường, người dân sẽ “treo gì bán đó” thông qua những cây bẹo, tuy nhiên có 3 trường hợp ngoại lệ: “Cái gì treo mà không bán?” Chính là quần áo. Cư dân chợ nổi thường sinh sống và sinh hoạt ngay trên thuyền, vì thế, quần áo họ thường phơi cả trên thuyền, do đó “mặt hàng” này họ không bán. “Cái gì bán mà không treo?” Chính là các thuyền bán hàng ăn uống và nước giải khát. Những thứ này không thể treo lên được. “Cái gì mà treo cái này, bán cái khác?” Chính là treo lá dừa nhưng lại bán thuyền. Người dân muốn bán ghe thuyền của họ thường treo lên thuyền một cây sào, trên đó có gắn một miếng lá dừa.

Một số chợ nổi nổi tiếng của du lịch miền Tây là: chợ nổi Cái Bè (nằm ở đoạn sông Tiền giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre), chợ nổi Phụng Hiệp (Hậu Giang), chợ nổi Châu Đốc (An Giang), chợ nổi Cái Răng (Cần Thơ), chợ nổi Phong Điền (Cần Thơ).

Thư giãn với kỳ nghỉ 2N1D tại Resort 4* Victoria Cần Thơ với giá chỉ 1.299.000 VND

2. Khám phá rừng ngập mặn

Ảnh: Dang Quang Vinh

Ảnh: Dang Quang Vinh

Theo các số liệu được công bố, diện tích rừng ngập mặn ở miền Tây chiếm đến 91.080 ha trong tổng số 209.741 ha rừng Việt Nam. Do đó không có gì bất ngờ khi miền Tây có số lượng và chủng loại cây ngập mặn đa dạng nhất. Nhiều nhất có thể kể đến như rừng đước, rừng tràm… Rừng ngập mặn lớn nhất là rừng ngập mặn Cà Mau có diện tích 63.017 ha, đứng hàng thứ hai thế giới, sau rừng Amazon của Nam Mỹ, tập trung nhiều nhất ở 2 huyện Ngọc Hiển và Năm Căn. Diện tích còn lại được phân bổ ở các huyện Đầm Dơi, Phú Tân, Trần Văn Thời và U Minh.

Ảnh: pinnee

Ảnh: pinnee

Về miền Tây, một số khu rừng hiện đang khai thác du lịch, cho phép du khách vào tham quan hệ sinh thái động thực vật phong phú và đa dạng như rừng U Minh (Cà Mau), rừng tràm Trà Sư (An Giang). Đến đây ngoài ngắm cảnh quan rộng lớn đẹp đẽ của rừng ngập mặn mang lại, bạn còn có cơ hội thưởng thức những món ăn đậm chất miền Tây như cá rô kho tộ, canh chua bông điên điển, mắm kho quẹt…

3. Vượt 9 cửa sông Cửu Long

Ảnh: Kienmm

Ảnh: Kienmm

Tại Việt Nam, hạ lưu sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long. Sở dĩ có tên là Cửu Long vì sông đổ ra biển bằng 9 cửa. Ngày nay, cung đường vượt 9 cửa sông Cửu Long được nhiều người đam mê du lịch chọn đi vì qua nhiều địa hình và phương tiện khác nhau, mang đến nhiều trải nghiệm thú vị khi về miền Tây.

Ảnh: PVHuong

Ảnh: PVHuong

Hai nhánh chính sông Cửu Long gồm sông Hậu và sông Tiền. Trước kia, sông Hậu đổ ra biển bằng ba cửa: cửa Định An, cửa Ba Thắc (Bassac), cửa Trần Đề nhưng cửa Ba Thắc khoảng thập niên 1970 đã bị bồi lấp nên ngày nay sông Hậu chỉ còn hai cửa biển.

Sông Tiền có lòng sông rộng với nhiều cù lao ở giữa dòng, đổ ra biển bằng sáu cửa: sông Mỹ Tho ra biển bằng cửa Đại và cửa Tiểu, sông Hàm Luông ra cửa Hàm Luông, sông Cổ Chiên đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên và cửa Cung Hầu, sông Ba Lai ra cửa Ba Lai. Hiện nay, cửa Ba Lai đã bị hệ thống cống đập Ba Lai ngăn lại. Hệ thống này nằm trong dự án ngọt hóa vùng ven biển của tỉnh Bến Tre.

4. Săn khoảnh khắc hàng vạn cánh chim phủ kín bầu trời

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Nói đến sân chim miền Tây thì phải nhắc đến vườn quốc gia Tràm Chim đầu tiên. Hàng năm mỗi khi con nước tràn về, Tràm Chim lại khoác lên mình tấm áo mới đầy sắc màu cùng vũ điệu rực rỡ của thiên nhiên. Thay vì chọn lúc bình minh như đại đa số, bạn có thể bắt đầu hành trình khám phá vào lúc buổi chiều để tận hưởng những khung cảnh tuyệt diệu. Đến buổi tối, bạn có thể đi gỡ lưới và giăng cần đêm. Nơi đây có thảm thực vật với 130 loài và là nơi cư trú của hơn 100 loài động vật có xương sống, 56 loài thủy sản, 147 loài chim. Trong đó, có 13 loài chim quý hiếm của thế giới, đặc biệt là sếu đầu đỏ.

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Ảnh: Quỷ Cốc Tử

Thống kê cho biết ở đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 30 sân chim lớn nhỏ trên các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, Cà Mau, Kiên Giang… (riêng hai tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có hơn 10 vườn chim). Có những vườn chim hình thành từ rất lâu, rộng hàng trăm ha, như vườn chim ở rừng U Minh Thượng, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang), vườn chim Ngọc Hiển (Cà Mau).

Click chọn ngay Tour Đồng Tháp 2N1D: Tràm Chim – Gáo Giồng tại iVIVU.com với mức giá ưu đãi cực hấp dẫn nhé

5. Vượt cầu khỉ

Ảnh: nqtri01

Ảnh: nqtri01

Để thuận lợi cho việc di chuyển ở miền kênh rạch chằng chịt như miền Tây, người dân nơi đây tự sáng chế ra những chiếc cầu với những thân tre hay thân gỗ có tay vịn. Nhìn người đi cầu giống như những chú khỉ sang sông. Từ đó, những chiếc cầu khỉ ra đời gắn liền các hoạt động sản xuất nông nghiệp của người nông dân như: trồng lúa, cây ăn quả, hoa màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nếu ai chưa một lần đi cầu khỉ, thì lần trải nghiệm đầu tiên sẽ thật đặc biệt. Việc đi trên thân gỗ ghép đơn giản dài chưa đầy 2 tấc, dưới chân là dòng nước chảy xiết khiến nhiều người phải thót tim.

Ảnh: nguyenphuocloc_1958

Ảnh: nguyenphuocloc_1958

Tuy nhiên, tính hiếu động, thích vui đùa của các em nhỏ miền quê khi đi cầu khỉ đã dẫn đến không ít các tai nạn đáng tiếc nên những chiếc cầu khỉ đang dần bị thay thế bởi các cây cầu ván, cầu xi măng kiên cố và an toàn hơn. Trong tương lai không xa, theo nhịp bước đi lên của xã hội, để tìm lại những cây cầu khỉ như trên chắc chắc là điều không dễ dàng.

6. Đếm số lượng phà – cầu đã qua

Ảnh: PVHuong

Ảnh: PVHuong

Người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu sống dựa vào sông nước. Xóm này nối xóm kia bằng đường thủy thay vì đường bộ. Người dân nơi đây đã quen với khái niệm ghe, xuồng, đò, phà… Đò giang cách trở đã hạn chế sự phát triển của vùng đất dù tiềm năng về lúa gạo, thủy sản, trái cây còn rất lớn. Bởi thế, những cây cầu là mơ ước ngàn đời của người dân.

Ảnh: tommy japan

Ảnh: tommy japan

Nếu như ngày xưa người dân thường nhắc đến những con phà lớn của miền Tây như phà Rạch Miễu, phà Cần Thơ, phà Mỹ Thuận… thì giờ những địa danh ấy đã được thay bằng những cây cầu dây văng sừng sững. Trong tương lai những cây cầu lớn tiếp tục khánh thành như cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Mỹ Lợi, cầu Cổ Chiên… sẽ giúp hệ thống cơ sở hạ tầng ở miền Tây ngày càng phát triển.

Điều đặc biệt khi về miền Tây, bạn sẽ bất ngờ khi chợt thấy các cây cầu với những cái tên vô cùng kỳ lạ và đậm chất bản địa. Thử thách đưa ra là bạn hãy đếm xem trên hành trình khám phá miền Tây, bạn đã qua bao nhiêu cây cầu và phà nhé, một con số có thể khiến bạn choáng ngợp đấy.

7. Thưởng thức hủ tiếu

Ảnh: pinnee

Ảnh: pinnee

Hủ tiếu Sa Đéc và hủ tiếu Mỹ Tho là hai cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong vô số các đặc sản miền Tây. Hủ tiếu nổi tiếng nhờ nước lèo thơm ngọt vị miền Tây, nhờ sợi hủ tiếu trong và dai, khi nấu không bị bở hay mềm đi.

Ngoài ra, hủ tiếu còn có thể nấu chung với mì thành hủ tiếu mì hay nấu với nước lèo ăn bánh canh, nui.. rất đa dạng và phong phú. Bên cạnh đó, còn có thể ăn hủ tiếu khô, tức là không chan nước lèo vào tô hủ tiếu, mà có chén nước riêng cho hành và tiêu vào, có thể thêm 1 quả trứng gà, còn hủ tiếu sẽ được người bán trộn với nước tương, giấm đường vừa ăn, khi đó, nước lèo sẽ ngon và ngọt hơn so với nước lèo được chan vào hủ tiếu.

Về miền Tây, bạn có thể dễ dàng tìm các quán hủ tiếu dọc hai bên đường đi, trong thành phố, thị xã hoặc các khu chợ.

Ảnh: yuth

Ảnh: yuth

8. Ngắm màu xanh đến tận chân trời

Ảnh: PVHuong

Ảnh: PVHuong

Chỉ cần là về miền Tây, vừa ra khỏi thành phố Hồ Chí Minh là những mảng xanh bất tận của những cánh đồng lúa Long An dần xuất hiện. Những con đường, những ngôi nhà, ao, hồ, sông ngòi, kênh rạch ở miền Tây lúc nào cũng phủ một màu xanh lá mát rượi, tươi rói.

Ảnh: lifeisawhimsicalworld

Ảnh: lifeisawhimsicalworld

Màu xanh của hàng cây thốt nốt, ruộng lúa An Giang, màu xanh của bèo trong rừng tràm Trà Sư, màu xanh rừng tràm trong vườn quốc gia Tràm Chim, màu xanh của những vườn cây ăn trái Tiền Giang, màu xanh của rừng dừa bạt ngàn ở Bến Tre… rất nhiều màu xanh ấy đã hòa quyện và cùng nhau vẽ nên một bức tranh đồng quê về miền Tây mà bạn không thể tìm thấy ở bất kì nơi nào khác.

Click chọn ngay gói kỳ nghỉ 3N2D tại Resort 4* Victoria Núi Sam Lodge với giá chỉ 1.199.000 VND

9. Nghe đờn ca tài tử

Ảnh: phanthoailinh

Ảnh: phanthoailinh

Sẽ là một thiếu sót vô cùng lớn nếu đến miền Tây mà bạn bỏ qua giai điệu réo rắc của tiếng đờn ca tài tử. Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Tây Nam Bộ. Đây là một loại hình nghệ thuật của đàn và ca, do những người bình dân, thanh niên nam nữ nông thôn Nam Bộ hát ca sau những giờ lao động mệt nhọc. Bạc Liêu và Tiền Giang là hai tỉnh miền Tây có nhiều người hát đờn ca tài tử nhất.

Ảnh: Hoàng Ú

Ảnh: Hoàng Ú

Ở miền Tây những câu ca, vọng cổ, cải lương trên nền tiếng đàn bầu mộc mạc từ lâu đã thấm thía vào tâm hồn của lớp lớp thế hệ nơi đây như một phần hồn không thể đánh mất. Phổ biến đến độ bạn có thể thưởng thức những giai điệu ấy ở bất cứ nơi đâu, vào mọi thời điểm nhưng đặc biệt hơn cả là được nghe khi đang chèo thuyền trên sông hoặc vào một buổi tối trăng rằm.

10. Cảm nhận khí chất “hào sảng” của người miền Tây

Ảnh: kim.ngn2

Ảnh: kim.ngn2

Vùng đồng bằng sông Cửu Long là một thiên đường kỳ lạ cho du khách từ khắp nơi trên thế giới: khí hậu tốt, vườn cây trái nhiệt đới rực rỡ, bầu không khí thoải mái và sự hào phóng của cư dân địa phương. Không chỉ với người làng người xóm, những người khách mới đến lần đầu cũng có thể cảm nhận được nét dễ thương vô cùng của những con người trên xứ xuồng ghe ngày đêm không ngớt này.

Ảnh: Luynguyen

Ảnh: Luynguyen

Ghé thăm nhà người miền Tây là thế nào gia chủ cũng mời lại ăn cơm. Mà ăn cơm ở nhà người miền Tây là phải ăn nhiều, ăn cho thật no thì gia chủ mới vui. Thăm người miền Tây thì nhiều khả năng gia chủ sẽ mời bạn ngủ lại ít nhất một đêm để hàn huyên tâm sự cho thỏa lòng mến khách họ mới vui.

Có thể nói ai yêu mến vùng đất và con người miền Tây, đều yêu mến khí chất “hào sảng” của họ. Miền Tây có rất nhiều điều mà khi ta đã sống và thấm đẫm với nó rồi thì cho dù có đi đâu về đâu cũng khó mà quên.

Theo Traveltimes.vn

Đặt khách sạn với iVIVU.com du lịch để chiêm ngưỡng các cảnh đẹp của đất nước

***

Nguồn: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...