Chùa Kỳ Quang 2, ngôi chùa đá ‘năm không’ ở Sài Gòn
Chùa Kỳ Quang 2 được xây dựng từ năm 1926, có tên gọi ban đầu Thanh Châu Tự, vốn là một ngôi chùa làng ở quận Gò Vấp, TP HCM. Đến năm 2000, chùa được xây mới hoàn toàn trên diện tích rộng gần 7.500 m2. Toàn bộ kiến trúc do Thượng toạ Thích Thiện Chiếu, trụ trì chùa thiết kế.
Sư thầy Thích Thiện Chiếu cho biết, kiến trúc chùa là sự kết hợp hài hoà giữa giáo lý nhà Phật với lịch sử văn hoá dân tộc Việt Nam. Lối vào cổng chùa không có cửa, thay vào đó là là hai hình tượng Phật đứng và ngồi. “Chùa không có mái để nhìn ra ‘chín phương trời, mười phương Phật’, không cửa để đón chào tất cả chúng sinh, không tường, cột để con người không bị ngăn cách và giới hạn. Đã là cửa Phật thì mọi thứ cần giải thoát, nhẹ nhàng”, vị sư tiếp quản chùa từ năm 1975 lý giải.
Khuôn viên chùa có những những bức tượng Phật đặt bên hang đá, cây bồ đề… tạo cảnh quan nguyên sơ, thanh tịnh.
Lối lên chánh điện là dãy bậc thang với hang động đá hai bên. “Người ta thường nói ‘năm non bảy núi’, ở chùa đây cũng vậy, bên phải là núi Ngũ Hành (Đà Nẵng), bên trái là Thất Sơn ở miền Tây, cũng là biểu trưng cho bảy sắc thái tình cảm của con người (hỉ, nộ, ái, ố, ai, lạc và dục). Ai làm chủ được bản thân, người đó là thánh nhân”, sư trụ trì giải thích thêm.
Bên trong chánh điện chùa là dãy tượng thập bát La Hán, ở chính giữa là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng đá cẩm thạch. Hai bên mái vòm thiết kế cách điệu hình hoa sen, thông với trời. Đây là nơi tụng kinh, tham thiền của các nhà sư, tăng ni và phật tử.
“Hàng tuần, tôi đều đến đây để tụng kinh và vãn cảnh. Tôi thấy cảnh chùa rất đẹp, cảm giác rất thư thái, thoải mái giống như ở nhà”, bà Lã Thị Xuân Lý (82 tuổi, ngụ quận Gò Vấp), chia sẻ.
Đứng bên hàng lang chánh điện chùa, có thể thấy rõ công trình “Đồng hồ tâm linh” đang xây dựng kế bên.
Dấu ấn lịch sử văn hoá dân tộc của chùa được thể hiện rõ trong Đền thờ Mẹ Âu Cơ và Hùng Vương, với hình tượng chim lạc cách điệu và vật phẩm bánh chưng, bánh dày.
Tượng Phật mạ vàng cao hơn 3m, ngự trên đài sen đặt trên cổng chùa. Công trình có tên gọi “Thiên tâm linh” là nơi kết nối giữa trời và đất.
Nhà địa tâm linh của chùa đặt những bức tượng Phật Bồ Tát với hệ thống đèn màu sặc sỡ, tạo cảm giác huyền bí.
Khu vực Nhân tâm linh của chùa thờ Phật hoàng Trần Nhân Tông, người hai lần cùng nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm Nguyên Mông.
Chùa Kỳ Quang 2 còn là nơi nhận nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, tật nguyền không nơi nương tựa. Sư thầy Thiện Chiếu cho biết, hoạt động này bắt đầu từ năm 1994 đến nay. Hiện nhà chùa đang chăm sóc hơn 240 trẻ, đồng thời dạy học và khám chữa bệnh, phát thuốc nam miễn phí cho hàng nghìn người vào mỗi tuần.
Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn)là trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa lớn nhất ở miền Nam Việt Nam. Sài Gòn – TP.HCM cũng là một trung tâm du lịch lớn, với các di tích lịch sử và bảo tàng ghi lại dấu ấn thời chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Tiêu biểu là hệ thống 11 bảo tàng trong đó nổi tiếng nhất là Bảo tàng chứng tích chiến tranh. Bên cạnh đó, các công trình kiến trúc thời thuộc địa cũng làm mãn nhãn du khách khi du lịch Sài Gòn, như Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân Thành phố, Nhà hát lớn, Bưu điện trung tâm, Bến Nhà Rồng, Chợ Bến Thành và Dinh Độc Lập. Gần đây, các công trình mới như Diamond Plaza, Bitexco Financial Tower, Saigon Trade Center cũng làm đẹp thêm cảnh quan khu trung tâm thành phố. Ở vùng ngoại vi thành phố cũng có những điểm tham quan nổi bật như Địa đạo Củ Chi, Rừng ngập mặn Cần Giờ và Vườn Cò Thủ Đức.
Cùng iVIVU.com đặt phòng khách sạn khi du lịch Sài Gòn: Danh sách khách sạn Sài Gòn.
iVIVU.com giới thiệu Cẩm nang du lịch Sài Gòn đầy đủ và súc tích nhất, giới thiệu các điểm đến và món ăn ngon khi bạn có dịp du lịch tới “Hòn ngọc Viễn Đông”.