Hành trình đi ngược ‘Con đường tơ lụa’: Iran hiếu khách (Phần 2)

15:27 11/09/2015

Lưỡng Hà là vùng đất giữa hai con sông Tigre và Euphrate. Đây là vùng đất nổi tiếng phì nhiêu, màu mỡ, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp như trồng nho, ô liu, lúa mạch…

Phần 2

Nhà thờ Hồi giáo người Armeni, với dãy núi cao là thuộc phần đất của Azerbaijan, có thể con đường tơ lụa không chỉ thuần túy về mặt thương nghiệp mà còn là hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.

Nhà thờ Hồi giáo người Armeni, với dãy núi cao là thuộc phần đất của Azerbaijan, có thể con đường tơ lụa không chỉ thuần túy về mặt thương nghiệp mà còn là hành trình văn hóa, tôn giáo đa dạng được hòa trộn.

Sau 3 giờ bay, tôi đáp chuyến bay từ Kuwait đến Tehran, thủ đô Iran bằng hãng hàng không Kuwait Airways. Sân bay Iran khá hiện đại, tôi nhanh chóng bước chân vào khu vực làm visa.

Vì đã đọc trước một số thông tin ở nhà, tôi đã nộp đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu, bao gồm hộ chiếu, ảnh, lịch trình tham quan Iran và quan trọng đó là phần xác nhận đặt phòng khách sạn. Vì Iran bị cấm vận từ phương Tây, tôi đã phải tìm khách sạn qua một số trang tư vấn về du lịch như TripAdvisor hay sách dành cho du lịch bụi Lonely Planet.

Đợi khoảng 15 phút, chúng tôi được nhân viên hải quan yêu cầu đóng 40 euro phí visa và thời gian lưu trú là 15 ngày. Cách này sẽ tiện lợi và nhanh chóng hơn thay vì phải xin visa tại Đại sứ quán Iran tại Hà Nội (nếu như bạn không ở Hà Nội như tôi).

Tehran đón tôi bằng cái nóng như thiêu như đốt trong một ngày hè cuối tháng 6. Hiện tại, đây là thời điểm tháng Ramadan của người theo đạo Hồi, tất cả quán ăn đều đóng cửa cho đến 21h. Hầu như người Iran ở nhà nấu ăn trong dịp lễ này, một số ít ra ngoài khi các nhà hàng mở cửa.

Hai tuần ở Iran, tôi không ít lần rơi vào tình cảnh đi cả ngày mà không có tí thức ăn nào trong người ngoài việc dùng một ít lương khô mang từ Việt Nam và trữ sẵn một vài trái chuối trong ba lô để ăn lấy sức. Ở Trung Đông, đặt biệt là Kuwait và Iran nơi tôi đi qua, người Hồi giáo thực hiện khá nghiêm túc những quy định của tháng Ramadan. Nghĩa là trong suốt một tháng lễ này, tất cả các tín đồ đạo Hồi sẽ không ăn, không uống, không hút thuốc… nhưng chỉ áp dụng vào ban ngày, cụ thể là từ lúc mặt trời mọc đến khi mặt trời lặn mà thôi.

Nhập gia tùy tục, đôi lúc tôi cũng phải lén lút để uống nước, ăn ít hoa quả sao cho cảnh sát và người địa phương không phát hiện, dù theo luật Hồi giáo, khách du lịch nước ngoài không theo đạo có thể ăn uống bình thường trong tháng Ramadan.

Vi vu du lịch, không lo giá cả với Deal mùa hè giá cực sốc từ iVIVU.com

Iran là một quốc gia có trữ lượng dầu thô đứng hàng thứ 4 trên thế giới, nên chính phủ có đủ nguồn tài chính để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho xã hội. Theo một số đánh giá, Iran là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực.

Thủ đô Tehran có hệ thống giao thông công cộng khá tốt. Hầu như những ngày ở đây, tôi đi tham quan bằng xe điện ngầm hoặc xe bus công cộng với giá rất rẻ. Lang thang như thế tôi mới có dịp làm quen, tìm hiểu cuộc sống ở một đất nước dường như rất lạ lẫm đối với như du khách khác biệt về ngoại hình như tôi.

Ngày thứ 2 ở đây, tôi vừa bước chân ra khỏi ga xe điện ngầm, chợt có một cô gái Iran với đôi mắt to, hàng mi cong vút đặc trưng của Trung Đông với bộ trang phục đen truyền thống của phụ nữ Hồi giáo nở nụ cười chào thân thiện. Cô gái thỏ thẻ bằng tiếng Anh rành rọt: “Anh muốn tìm trạm xe lửa phải không?”.

Thật bất ngờ là tại sao cô ấy biết tôi đang tìm ga xe lửa để mua vé từ Tehran đi Tabriz. Tôi chợt nhớ lại là trước khi bước chân ra khỏi metro, tôi hỏi thăm một anh chàng ở ngay lối thoát để ra ga xe lửa. Có lẽ cô nàng này nghe lỏm và cố tình đợi tôi ở cửa ra. Hiểu được mọi chuyện, tôi gật đầu trả lời “yes”. “Anh có thể đợi em chút xíu, em đang đợi người bạn đến đón, khoảng 5 phút thôi. Bạn em đến sẽ dẫn anh đến ga xe lửa gần đấy”.

Tôi giật mình về lời đề nghị giúp đỡ dễ thương từ cô gái mà cứ ngỡ những luật lệ Hồi giáo khắc nghiệt sẽ làm cho người phụ nữ “giữ kẽ” hơn với nam giới, đặc biệt là người lạ như tôi. Chúng tôi bắt đầu rôm rả và hỏi thăm nhau một số thông tin cá nhân, về chuyến du lịch đến đất nước cô ấy.

Khoảng 5 phút sau, một anh chàng cao to giống người Ấn hơn là người Iran đến. Cô ấy giới thiệu đây là bạn của mình rồi nói gì đó bằng tiếng Iran để tôi tự hiểu là họ sẽ dẫn tôi đến trạm xe lửa gần đấy. Iran hôm đấy nhiệt độ lên đến 42 độ C vào lúc 15h. Trời hầm hập, không có nổi một cơn gió nhỏ.

Từ trạm metro đến ga xe lửa với quảng đường khá xa nhưng cuộc nói chuyện của chúng tôi dường như rút ngắn khi nào không hay. Cuối cùng chúng tôi cũng đến ga xe lửa hiện đại ở Tehran. Họ dẫn tôi đến quầy bán vé và hỏi thông tin giúp để mua vé đi Tabriz. Tuy nhiên, họ chỉ bán vé vào giờ cuối ở ga, còn nếu đi vào ngày hôm sau như dự định của tôi thì phải đến các công ty du lịch để mua vé.

Giá cả ở các công ty du lịch và tại ga như nhau. Họ lại vội vã dẫn tôi tiếp tục đi tìm công ty du lịch ở gần đó. Tôi mua được một vé giường nằm khá tốt trên tàu vì được họ phiên dịch giúp. Trước khi chia tay, tôi đề nghị chụp chung với họ một tấm hình lưu niệm. Cô gái gật đầu lia lịa không chút do dự. Tôi tạm biệt và không quên hỏi cách thức về lại khác sạn bằng xe bus.

“Mai em nghỉ phép. Nếu anh muốn, em sẽ đưa anh đi dạo Tehran bằng bất cứ phương tiện nào anh thích: xe bus, xe điện, xe gắn máy hay thậm chí xe đạp…” cô bẽn lẽn. Tôi “đứng hình” vì lời đề nghị quá nhiệt tình này, nhưng chưa biết phải trả lời sao vì ngày mai tôi có một ngày dành thời gian để làm visa Uzbekistan tại sứ quán. Tôi từ chối và không quên xin địa chỉ email để gửi cho cô ấy và người bạn trai tấm hình.

Trong suốt chuyến đi dọc theo Con đường tơ lụa, không ít lần tôi gặp được sự chào đón thân thiện, giúp đỡ nhiệt tình của người dân bản địa chứ không phải họ chỉ tò mò về sự lạ lẫm của du khách nước ngoài. Có thể xã hội Iran ngày càng hiện đại, người theo đạo Hồi cởi mở hơn và cần được thế giới quan tâm, chia sẻ hơn.

Quảng trường hồi giáo lớn nhất Tây Á ở thành phố di sản Isfahan.

Quảng trường hồi giáo lớn nhất Tây Á ở thành phố di sản Isfahan.

Hành trình của tôi ở xứ Ba Tư khá thuận lợi. Hệ thống cơ sở hạ tầng tốt, xe chất lượng cao, các điểm tham quan phục vụ khách du lịch bài bản, chuyên nghiệp làm cho lộ trình của tôi đi được nhiều hơn so với kế hoạch.

Tôi đã tham quan được các thành phố du lịch rất nổi tiếng như Tehran, Tabriz, Isfahan, Kuzechtan, Shiraz, Kerman, Yazd và Mashhad. Lịch sử lâu đời từ đất nước Ba Tư hùng mạnh cách đây hàng nghìn năm đã để lại cho Iran khối di sản đồ sộ. Hiện nay, Iran có 19 di sản văn hóa do UNESCO công nhận, trong đó có những di sản được công nhận từ những năm đầu tiên khi tổ chức này ra đời.

Tôi dành nhiều thời gian để tham quan chợ Tabriz, một nơi giao lưu văn hóa từ thời cổ đại, khu phức hợp lịch lịch sử này từng là một trong những trung tâm thương mại quan trọng nhất trên Con đường tơ lụa trước đây. Nằm ở trung tâm của thành phố Tabriz, Tây Bắc Iran, khu chợ rộng lớn này bao gồm nhiều chợ nhỏ.

Chợ Amir Bazaar kinh doanh mặt hàng vàng và đồ trang sức, hay chợ Mozzafarieh chuyên bán các loại thảm Ba Tư, một chợ nhỏ bán giày dép, và nhiều khu chợ khác nữa bán các loại hàng hóa khác nhau. Thời gian thịnh vượng nhất của chợ Tabriz, mà dân địa phương hay gọi là bazaar, là ở thế kỷ 13 khi thành phố này trở thành thủ đô của vương quốc Safavid. Thành phố bị mất vị trí thủ đô vào thế kỷ 16, nhưng ngôi chợ này vẫn có tầm quan trọng như là một trung tâm thương mại và kinh tế.

Khu chợ bán vàng nổi tiếng nằm trong Bazzar Tabriz, một điểm dừng chân của đoàn thương nhân phương Đông trao đổi hàng hóa ở xứ Ba Tư trước đây.

Khu chợ bán vàng nổi tiếng nằm trong Bazzar Tabriz, một điểm dừng chân của đoàn thương nhân phương Đông trao đổi hàng hóa ở xứ Ba Tư trước đây.

Iran quá rộng lớn để tham quan trong khoảng 2 tuần nên tôi chỉ ưu tiên dành những nơi mình yêu thích, như quần thể cung điện lộng lẫy Golestan ở Tehran, khu phức hợp cổ Chogha Zanbil của nền văn minh Elamite nằm ở tỉnh Khuzestan, quần thể nhà thờ Hồi giáo Armeni nằm sát biên giới với Azerbaijan về hướng Tây Bắc, quảng trường lớn nhất tây Á Naghsh-I Jahan và thánh đường có niên đại 12 thế kỷ Jameh ở Isfahan, thành phố lịch sử Bam, kinh đô nghi lễ Persepolis của Đế quốc Ba Tư dưới thời nhà Achaemenes (khoảng năm 550-330 TCN) cách 70 km về phía Đông Bắc của thành phố hiện đại Shiraz ở tỉnh Fars, hệ thống thuỷ lực lịch sử tại Shushtar, hay thành phố linh thiêng của người Hồi giáo Mashhad… Đây đều là những công trình kiến trúc và cảnh quan được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Phần lớn số đó đều là những chứng tích lịch sử cho con đường tơ lụa xuất phát từ phương Đông.

Chia tay vùng đất thuộc một phần nền văn minh Lưỡng Hà xưa kia từ thành phố biên giới Mashhad, tôi vẫn mơ được một lần quay trở lại, có thể để khám phá tiếp đất nước xinh đẹp này, hay cũng có thể là vì người Iran hiếu khách, tốt bụng.

Theo Zing News

Click đặt ngay Khách sạn khắp Việt Nam và toàn thế giới giá tốt nhất chỉ có tại iVIVU.com

***

Tham khảo: Cẩm nang du lịch iVIVU.com

Đánh giá bài viết này

1 Sao2 Sao3 Sao4 Sao5 Sao (1 lượt, 5,00 điểm trên 5)
Loading...